Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng các loại bảo hiểm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như: Ngừng sử dụng hóa đơn; Công đoàn và cơ quan Bảo hiểm xã hội có thẩm quyền khởi kiện...Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, xử lý vấn đề nợ bảo hiểm rất phức tạp, cần nhiều thời gian và giải pháp mạnh hơn.
DOANH NGHIỆP SẼ GẶP KHÓ NẾU NGỪNG SỬ DỤNG HÓA ĐƠN
Ông Lê Đức Thọ, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đánh giá, việc ngừng sử dụng hóa đơn là giải pháp mạnh để doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, song chỉ nên áp dụng trong giai đoạn tới đây, khi doanh nghiệp đã khoanh nợ được. Còn hậu quả trước đó do doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm thì không nên áp dụng, bởi chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ ngừng hoạt động.
“Nhiều doanh nghiệp sẽ chết do số nợ bảo hiểm đã quá nhiều năm, chắc chắn việc ngừng sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp không còn hoạt động được, số tiền nợ bảo hiểm hiện tồn đọng cũng rất lớn. Tất nhiên, vẫn có những doanh nghiệp tồn tại được nhưng với điều kiện nợ bảo hiểm phải khoanh được trước khi đổi mới doanh nghiệp để sau đổi mới, doanh nghiệp tiếp tục hoạt động theo cơ chế trả lương, đóng bảo hiểm mới”, ông Thọ nêu quan điểm.
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Bắc Giang, đây là vấn đề khó, nếu không giải quyết được thì người lao động sẽ thiệt thòi, đề nghị ban soạn thảo Luật tiếp tục nghiên cứu để giải quyết việc nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Theo vị cán bộ công đoàn này, khi ông dự các cuộc đối thoại với công nhân thì rất nhiều người lao động phản ánh rằng, việc chủ doanh nghiệp nợ bảo hiểm là có lỗi, nhưng họ có nhu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội và tự nguyện đóng nộp bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng các chế độ.
“Mong muốn này là chính đáng, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải quyết cho người lao động. Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã quy định, chúng ta không thực hiện khác được nhưng ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến người lao động để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, tới đây khi sửa đổi Luật mới cần lưu ý để giải quyết quyền lợi cho người lao động”, ông Thọ bộc bạch.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh Đặng Thị Kim Chung đề nghị công khai người sử dụng lao động vi phạm việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đối với việc khởi hiện, hiện nay dự thảo Luật quy định có 2 cơ quan được quyền khởi kiện, là công đoàn và bảo hiểm xã hội, tuy nhiên bà Chung cho rằng, nên quy định rõ trường hợp nào công đoàn được khởi kiện, trường hợp nào thuộc Bảo hiểm xã hội, nhằm tránh trường hợp hai cơ quan “đùn đẩy nhau”.
KHÓ XỬ LÝ TRONG NGẮN HẠN
Cho rằng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung biện pháp để xử lý trốn đóng bảo hiểm, song ông Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch công đoàn Dầu khí Việt Nam nhận định, các quy định có thể không làm giảm nhiều tình trạng nợ bảo hiểm xã hội đang gia tăng như hiện nay, đề xuất “có giải pháp mạnh hơn”.
Theo ông Kha, cơ quan bảo hiểm xã hội cần cung cấp cho tổ chức công đoàn về tình hình đóng bảo hiểm xã hội, tình trạng nợ của các doanh nghiệp theo định kỳ, để công đoàn giám sát được, từ đó, hàng quý, hàng năm biết được tình trạng đóng.
Nghĩa là cần có quy định rất cụ thể nhằm phát huy vai trò của công đoàn trong hoạt động giám sát, lúc đó mới vào cuộc để khởi kiện có hiệu quả, bởi vấn đề nợ bảo hiểm xã hội hiện rất phức tạp và dự báo còn kéo dài.
“Xét cho cùng người chịu hậu quả ở đây vẫn là lao động, đúng là doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nhưng thực tế nhiều năm qua nợ bảo hiểm vẫn tăng lên, người sử dụng lao động có bị khởi tố, thậm chí bắt giam, nhưng sẽ có người khác lên thay, phần thiệt thòi vẫn người lao động gánh. Đây là vấn đề rất bức xúc của người lao động khi họ bị ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội”, ông Kha băn khoăn.
Phó Chủ tịch công đoàn Dầu khí cũng đề xuất nên có một nguồn quỹ khác của bảo hiểm xã hội để hỗ trợ giải quyết vấn đề bảo hiểm cho người lao động trong các doanh nghiệp nợ. Bởi hiện nay, có nhiều nội dung thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động, nhưng trên thực tế không thỏa thuận được, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó hơn.
Theo ông Kha, xây dựng Luật mới nhưng cần đảm bảo an sinh cho người lao động, bởi họ là những người đóng góp cho quỹ bảo hiểm xã hội thì nên chăng xem xét có chính sách với những trường hợp đặc thù.
“Sau này khi ban hành nghị định, quy định hướng dẫn, các cơ quan nên có khảo sát tại các tập đoàn, ngành kinh tế đặc thù như Than khoáng sản, Dầu khí, Hàng hải, Hàng không…, đây là những đơn vị có những đối tượng lao động rất đặc thù, đặc trưng. Nếu không đưa vào luật được thì nên xem xét đưa vào nghị định, thông tư, trên cơ sở đó doanh nghiệp mới thỏa thuận được”, Phó Chủ tịch công đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, mục tiêu của đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội là nhằm điều chỉnh lương đóng để tính lương hưu cho người lao động, rất ít quốc gia dùng tiền đầu tư quỹ này để hỗ trợ người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội.
Theo ông Cường, một doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội được Nhà nước hỗ trợ chi trả thì không khác nào mở đường cho doanh nghiệp khác vi phạm. Chính vì vậy, dự thảo Luật hiện không đề xuất dùng ngân sách hoặc tiền lãi đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội để trả tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Trước những băn khoăn của đại diện các công đoàn cơ sở, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, hiện Chính phủ, các cơ quan liên quan đang rất tích cực để bàn giải pháp trong vấn đề xử lý nợ bảo hiểm xã hội, quan điểm là khi người lao động đã đóng góp bảo hiểm xã hội phải được đảm bảo các quyền lợi.
“Rút kinh nghiệm từ lịch sử, chúng ta cần nghiên cứu thêm để có những quy định nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng nợ. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế ở Việt Nam để không còn nợ bảo hiểm nữa là câu chuyện vô cùng lâu dài, ngay cả nợ thuế cũng còn, nên tình trạng nợ bảo hiểm không phải là trường hợp cá biệt”, ông Hiểu lí giải.