Phiên giao dịch đêm qua (21/11), giá dầu thô kỳ hạn trên thị trường thế giới đi xuống, sau cảnh báo từ tổ chức định mức tín nhiệm Moody's về xếp hạng tín dụng của Pháp và tuyên bố dự kiến từ "siêu" ủy ban trong Quốc hội Mỹ về thất bại trong thỏa thuận giảm thâm hụt.
Kết thúc ngày giao dịch, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 giảm 75 xu, tương ứng 0,8%, xuống còn 96,92 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York. Đây là mức giá chốt theo ngày thấp nhất của dầu kỳ hạn trong gần 2 tuần qua. Đầu phiên, có lúc giá dầu xuống 95,24 USD/thùng.
Đóng cửa trước đó, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 1/2012 cũng đã giảm 27 xu xuống 97,40 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 10 xu lên 107,66 USD/thùng.
Tom Bentz, chuyên gia của BNP Paris ở New York, nhận định, "những lo lắng về nợ công toàn cầu đã quay trở lại gây sức ép lên thị trường dầu. Bentz cho biết thêm, "thị trường chứng khoán cũng lao dốc... Hiện thực tình là không có gì đang diễn biến tích cực cả".
Theo chuyên gia này, nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về khả năng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ kéo lùi đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, từ đó nhấn chìm tốc độ tiêu thụ các sản phẩm năng lượng.
Hôm qua, trong báo cáo cập nhật hàng tuần, hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã khiến nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Pháp hoảng hốt, khi Moody's đặt tầm ngắm vào xếp hạng tín nhiệm AAA của nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu này.
Đồng quan điểm này, Victor Shum, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz, có trụ sở tại Singapore, nhận định giá dầu vẫn đang chịu sức ép bởi mối lo ngại dai dẳng của giới đầu tư về "cơn bão nợ" tại "lục địa già".
Mới đây đảng đối lập tại Tây Ban Nha đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội, khiến đảng cầm quyền phải hứng chịu thất bại nặng nề, đồng thời chấm dứt 7 năm cầm quyền của đảng này với một nền kinh phá sản và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 21,5%.
Trước những vấn đề kinh tế nghiêm trọng, Bồ Đào Nha, Italy, Ireland, Hy Lạp và giờ là Tây Ban Nha đã tiến hành thay đổi nhà lãnh đạo nhằm giải quyết các khó khăn nội tại của đất nước mình. Điều này về một khía cạnh nào đó đã cho thấy khả năng châu Âu khó kiểm soát được vấn đề nợ công.
Ngoài cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone, thị trường "vàng đen" còn chịu tác động từ lời cảnh báo của Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn rằng chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính thế giới và đợt suy thoái này sẽ kéo dài.
Thêm vào đó, ủy ban lưỡng đảng của Mỹ khả năng khó đạt thỏa thuận giảm thâm hụt ngân sách 1.200 tỷ USD trong thập niên tới. Nếu điều này xảy ra, chương trình tự động cắt giảm sẽ có hiệu lực từ năm 2013 và ảnh hưởng đồng loạt tới mọi mặt của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá so với các loại tiền tệ khác cũng góp phần làm thị trường dầu mất sức. Phiên hôm qua, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã tăng lên 78,279 điểm, từ mức 78,098 điểm trong phiên cuối tuần trước.
Khác với diễn biến trên thị trường dầu thô, giá các mặt hàng năng lượng khác như xăng, dầu sưởi biến động trái chiều. Cụ thể, dầu sưởi giao tháng 12 giảm 4 xu, tương ứng 1,3%, xuống 2,99 USD/gallon. Trong khi, mặt hàng xăng giao cùng kỳ hạn tăng nhẹ 1 xu, tương ứng 0,4%, lên 2,49 USD/gallon.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate