Nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là “không nên quá lo lắng”.
Sau khi tổ chức tại Hà Nội, ngày 11/12/2011 tại Tp.HCM, BIDV tiếp tục tổ chức buổi roadshow công bố thông tin về kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới.
Tại đây, một thông tin đáng chú ý được đưa ra liên quan đến các khoản nợ của Vinashin và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại BIDV. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, khẳng định rằng “không nên quá lo lắng” về vấn đề này.
Theo thông tin đưa ra tại buổi roadshow, tổng dư nợ của HAGL tại các tổ chức tín dụng hiện khoảng 5.000 tỷ đồng và tại BIDV nói riêng là 1.300 tỷ đồng; trong khi kiểm toán quốc tế đã định giá tài sản của công ty này hiện đạt khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của HAGL tại BIDV tính đến thời điểm này là 500 tỷ đồng; đáng chú ý là HAGL cam kết dư nợ này sẽ giảm xuống bằng 0 vào quý 1/2012.
“Hướng đầu tư của HAGL hiện nay là tập trung vào cây công nghiệp. Đến 2014, HAGL trồng được 100.000 ha cao su tại Lào và Campuchia. Mặt khác, HAGL đang phát triển các dự án thuỷ điện và khoáng sản. HAGL đã chuyển hướng đầu tư nhanh từ bất động sản sang các lĩnh vực khác và dòng tài chính của HAGL hiện rất tốt”, ông Hà cho biết.
Với Vinashin, tổng dư nợ của tập đoàn này tại BIDV hiện là 6.600 tỷ đồng, sẽ được chuyển qua cho Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) 1.600 tỷ đồng. Sau khi chuyển nợ, dư nợ Vinashin tại BIDV còn lại khoảng 5.000 tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng dư nợ.
Trong tổng dư nợ nói trên của Vinashin tại BIDV, ông Hà cho biết có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay, còn lại cho vay dưới dạng bảo lãnh theo chỉ định. Dự kiến trong năm nay BIDV trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ Vinashin là khoảng 1.500 tỷ đồng, và trong 6 tháng đầu năm sau dự kiến là 3.000 tỷ đồng.
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Trần Bắc Hà cho rằng BIDV sẽ “rõ ràng và sòng phẳng” về các khoản nợ của Vinashin. Điều đó trước hết cũng đã thể hiện ở khía cạnh thông tin đưa ra nói trên, khi thời gian qua đây vẫn được xem là một vấn đề nhạy cảm và khó tìm hiểu thông tin chi tiết tại các ngân hàng thương mại nói chung.
Vấn đề nợ của Vinashin cũng là một nội dung được nhà đầu tư quan tâm tương tự như tại buổi roadshow của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) hồi tháng 11/2010 trước thềm niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Tại sự kiện đó, Tổng giám đốc Habubank cho rằng, việc xử lý các khoản vay của Vinashin là vấn đề đặt ra đối với 38 tổ chức tín dụng, nhưng không hẳn tất cả đều đáng ngại và không xử lý được.
Tùy thuộc ở mỗi thành viên, một phần khoản vay từ tập đoàn này được chuyển giao sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines); các khoản vay có tài sản đảm bảo cụ thể…
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy mới đây, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, đã hơn một năm trôi qua và thực tế cho thấy đây vẫn là một vấn đề khó khăn đối với các ngân hàng. Họ buộc phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định và điều này ảnh hưởng nhất định đến lợi nhuận.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate