Giới phân tích cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của Tokyo nhằm vực dậy tỷ giá đồng nội tệ đều dễ dàng trở nên vô nghĩa chừng nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ chủ trương lãi suất cao hơn lâu hơn.
Điểm mấu chốt là chính sách tiền tệ của Mỹ nằm hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của Nhật Bản, hãng tin Bloomberg nhấn mạnh.
"TẤT CẢ VẤN ĐỀ NẰM Ở FED"
Phiên giao dịch ngày thứ Tư, đồng yên rớt giá xuống mức 160,88 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1986. Đầu giờ phiên sáng nay (27/6) tại thị trường châu Á, đồng yên hồi nhẹ lên mức 160,63 yên đổi 1 USD.
Đồng yên đã mất giá khoảng 2% trong tháng 6 này và giảm 12% kể từ đầu năm so với đồng USD, trong bối cảnh tỷ giá USD tăng vững vì kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu giảm lãi suất liên tục bị đẩy lùi.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng 1,25% trong tháng này và tăng 4,63% từ đầu năm - theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Phiên ngày thứ Tư, Dollar Index vượt 106 điểm, cao nhất 2 tháng.
Nguyên nhân chính của việc yên mất giá so với USD là chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Việc lãi suất ngắn hạn của Fed là 5,25-5,5% và của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là 0-0,1% đã khiến đồng yên trở thành đồng tiền cấp vốn (funding currency) hấp dẫn trong giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade).
Theo Bloomberg, giới đầu tư toàn cầu hiểu rằng đồng yên còn đương đầu áp lực giảm giá chừng nào lãi suất đồng USD còn cao. Trên thị trường tiền tệ toàn cầu với giá trị giao dịch 7,5 nghìn tỷ USD mỗi ngày, sự mất giá liên tục của yên là một bằng chứng không thể rõ hơn về ảnh hưởng của Mỹ trong lĩnh vực tài chính.
“Tất cả vấn đề nằm ở Fed. Lãi suất cao hơn lâu hơn ở Mỹ đang hút tiền về phía Mỹ và khiến đồng USD mạnh”, trưởng chiến lược đầu tư trái phiếu của công ty NatAlliance Securities LLC, ông Andrew Brenner, nhận định. Ông Brenner cho rằng đối với Nhật Bản, đây là một thách thức.
Phiên giao dịch ngày thứ Tư phản ánh đầy đủ vị thế thống lĩnh của Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu. Cú tăng 0,4% của Dollar Index trong phiên này gây áp lực giảm lên hầu như tất cả các đồng tiền khác trên thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ tiến tới hoàn tất một quý tăng điểm mạnh nữa, trong khi Bộ Tài chính nước này dễ dàng bán hết 70 tỷ USD trái phiếu kho bạc trong phiên đấu thầu cùng ngày.
Đối với đồng yên, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Ở mức tỷ giá gần 161 yên đổi 1 USD, đồng tiền này đã giảm giá quá mức mà ở đó nhà chức trách Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5. Điều này có nghĩa là nỗ lực chi hơn 60 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng yên của Tokyo đã “xôi hỏng bỏng không”, may ra chỉ là hãm bớt tốc độ mất giá của yên.
So với đồng euro, đồng yên giảm xuống mức thấp kỷ lục 171,8 yên đổi 1 euro.
Trong bối cảnh như vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda, quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề tỷ giá của nước này, tiếp tục nhắc lại rằng nhà chức trách đang theo dõi thị trường tiền tệ với một tinh thần cấp bách và sẵn sàng can thiệp bất kỳ lúc nào.
NHẬT BẢN CÓ BAO NHIÊU ĐỂ CAN THIỆP TIỀN TỆ?
Giới chuyên gia cho rằng dù Nhật Bản có can thiệp vào thị trường lần nữa, thì hiệu quả mang lại cũng không đáng kể.
“Tôi không cho là việc can thiệp có thể mang lại kết quả chừng nào Fed chưa thực sự nới lỏng chính sách tiền tệ của họ. Trong bức tranh lớn, nhu cầu đối với đồng USD cần giảm xuống. Để có được điều đó, lãi suất ở Nhật phải đủ cao, hoặc lãi suất ở Mỹ phải đủ thấp. Hiện tại, cả hai yếu tố này đều không tồn tại”, chiến lược gia trưởng Bob Savage của công ty BNY Mellon Capital Markets nhận định.
Theo Bloomberg, các nhà quản lý quỹ vẫn đang đổ xô đặt cược vào sự mất gái của yên. Tuần trước, sự đặt cược này tăng lên mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 2006 - theo Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC).
Đầu năm nay, thị trường đã dự báo đồng yên sẽ hồi giá, trên cơ sở tin rằng BOJ sẽ nâng lãi suất và Fed sẽ sớm khởi động một chuỗi đợt giảm lãi suất liên tiếp. Nhưng trên thực tế, sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ và tình trạng “cứng đầu” của lạm phát ở nước này đã khiến Fed trì hoãn việc giảm lãi suất, trong khi Nhật Bản mới rón rén nâng lãi suất một lần.
“Năm nay lẽ ra phải là một năm mà đồng yên tăng cùng với lãi suất ở Nhật. Nhưng đến giờ, điều đó chưa xảy ra”, chiến lược gia trưởng Kathy Jones của ngân hàng đầu tư Charles Schwab phát biểu.
Giới đầu tư toàn cầu dang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng. Thị trường đang khấp khởi hy vọng báo cáo PCE sẽ cho thấy lạm phát tiếp tục xuống thang, mở đường để Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay.
Ngân hàng Citigroup ước tính Nhật Bản đang có 200-300 tỷ USD để đáp ứng việc can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm bảo vệ tỷ giá đồng yên. Việc can thiệp bao gồm bán USD và các đồng tiền khác mà Nhật Bản có trong dự trữ tiền mặt, hoặc bán trái phiếu chính phủ các nước khác, để mua vào đồng yên.
Theo chiến lược gia trưởng Dominic Konstam của công ty Mizuho Securities USA, bất kỳ sự can thiệp nào của Nhật Bản vào thị trường tiền tệ cũng chỉ có thể “làm chậm lại hành trình tìm đến mức đáy cuối cùng của đồng yên” trong lúc nước này đưa chính sách tiền tệ trở lại trạng thái bình thường.
“Vấn đề của Nhật Bản là họ là can thiệp sai hướng. Họ có dự trữ hạn chế, không thể chi hàng trăm tỷ USD chỉ để bảo vệ tỷ giá”, ông Kostam nói.