August 22, 2023 | 16:29 GMT+7

Nỗ lực phục hồi lợi thế du lịch lặn biển tại Nha Trang

Tường Bách -

Với đường bờ biển dài, hệ sinh vật đa dạng, nhiều phong cảnh tuyệt đẹp cùng sự ấm áp và thân thiện của người dân địa phương, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho những tín đồ mê lặn biển...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trang tư vấn du lịch Traveldudes mới đây đã cho rằng nếu bạn đang phân vân tìm điểm đến phù hợp cho trải nghiệm du lịch mạo hiểm thì đừng bỏ lỡ cơ hội đến Việt Nam. Theo tác giả Khyati Maloo, những điểm đến tuyệt nhất dành cho trải nghiệm lặn biển ở Việt Nam là: Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo và Cù Lao Chàm.

Quả thật, Nha Trang chưa bao giờ khiến những tín đồ mê lặn biển thất vọng. Thời gian tốt nhất để thỏa sức với đam mê lặn biển ở đây là từ tháng 2 đến tháng 10, khi thời tiết ấm áp và biển yên tĩnh. Trong thời gian này, những thợ lặn có thể chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp, nhiệt độ nước ấm áp từ 26 đến 30 độ C. Nha Trang sở hữu nhiều hòn đảo xinh đẹp với nhiều rặng san hô và cũng là điểm đến với đa dạng các loại cá như cá mây, cá thần tiên và cá bướm. Nếu may mắn, du khách còn có thể nhìn thấy cả rùa đồi mồi.

Từ cảng Cầu Đá bạn sẽ mất hơn một giờ đi tàu để đến Hòn Nội - một đảo yến thuộc Nha Trang. Nơi đây có bãi tắm đôi duy nhất ở Việt Nam với bãi cát trắng mịn, quay hướng nào bạn cũng nhìn thấy biển xanh ngắt một màu. Với những du khách ưa tĩnh lặng thì hòn Ông là hòn đảo tuyệt vời, hoang sơ không có người. Nhưng nếu muốn lặn biển ngắm san hô thì phải đến đảo Khỉ và hòn Mun. Hòn Mun nằm cách Cầu Đá khoảng 10km, nằm ở phía Đông Nam của đảo Bồng Nguyên, sẽ mất khoảng 45 phút đi tàu.

Nha Trang chưa bao giờ khiến những tín đồ mê lặn biển thất vọng.
Nha Trang chưa bao giờ khiến những tín đồ mê lặn biển thất vọng.

Nơi này được gọi là hòn Mun vì phía Đông Nam của đảo có những mõm đá nhô cao, vách dựng hiểm trở, tạo thành hang động, đặc biệt đá ở đây đen tuyền như gỗ mun, rất hiếm thấy ở những nơi khác. Theo thống kê, hòn Mun có tới 1.500 loài san hô và sinh vật biển. Với sức khỏe bình thường bạn có thể chinh phục độ sâu khoảng 20m, thời gian lặn khoảng 30 phút dưới lòng đại dương. Tất nhiên, các nhân viên cứu hộ sẽ phải liên tục không rời mắt theo dõi mọi động tĩnh đoàn khách của mình. Một trải nghiệm thú vị cho những ai thích khám phá đại dương.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND TP Nha Trang, Ban quản lý vịnh Nha Trang đã tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun từ ngày 27/6/2022 đến khi có thông báo mới, hiện nay vẫn tiếp tục dừng. Trong thời gian này, ban quản lý vịnh bố trí lặn tạm thời tại khu vực Đông Bắc Hòn Rơm với số lượng khách hạn chế.

Trong thời gian thực hiện tạm thời dừng các hoạt động bơi, lặn biển và các hoạt động khác tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đảo Hòn Mun, BQL vịnh Nha Trang đã tổ chức khảo sát, đánh giá nhanh tình trạng rạn san hô ở Hòn Mun định kỳ 3, 6 tháng/lần. Mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức kiểm tra, giám sát về việc phục hồi khu bảo tồn biển Hòn Mun, trong bối cảnh một số doanh nghiệp có đề xuất mở lại dịch vụ lặn biển. 

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, theo đề xuất của doanh nghiệp, hiện nay ban đang nghiên cứu cho mở một điểm lặn trước Hòn Mun - khu vực chưa bị ảnh hưởng và có thể cho phép các hoạt động vui chơi giải trí, trong đó có lặn biển. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là đề xuất và còn phải chờ ý kiến từ các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá mới có cơ sở.

Ban quản lý vịnh Nha Trang đã tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun từ ngày 27/6/2022.
Ban quản lý vịnh Nha Trang đã tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun từ ngày 27/6/2022.

PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhận định, rạn san hô mất hàng triệu năm để hình thành. Khi đã bị tàn phá thì cần ít nhất thời gian từ 5 - 6 năm trở lên mới có thể khôi phục, phát triển một phần. "Phát triển du lịch biển phải có lặn biển và hoạt động này sẽ mang lại lợi ích về kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ để vừa bảo tồn vừa có thể phát huy giá trị về kinh tế mà rạn san hô đem lại", ông An khuyến cáo.

Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bao gồm các đảo như: Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót.

Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…). Do đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, thực hiện một số giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài để bảo vệ, phục hồi vịnh Nha Trang.

Sắp tới Viện Hải dương học sẽ phối hợp, khảo sát và đánh giá lại hiện trạng san hô ở Hòn Mun.
Sắp tới Viện Hải dương học sẽ phối hợp, khảo sát và đánh giá lại hiện trạng san hô ở Hòn Mun.

Kết quả khảo sát, đánh giá nhanh thời gian gần đây nhất cho thấy, giá trị trung bình độ phủ san hô sống (bao gồm san hô cứng và san hô mềm) đối với rạn ở phía bắc Hòn Mun khoảng 65,5%. Theo tiêu chuẩn sức khỏe rạn thì độ phủ san hô sống ở bắc Hòn Mun nằm ở khoảng giữa thang bậc xếp loại tốt (từ 51-75%). Trong đó san hô cứng chiếm 60%, san hô mềm chiếm khoảng 5%.

Sự phục hồi này là kết quả thực hiện các giải pháp tăng cường công tác tuần tra, giám sát và tạm dừng mọi hoạt động dịch vụ du lịch trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Sau 1 năm thực hiện tạm dừng các hoạt động bơi lặn ở Hòn Mun, BQL Vịnh Nha Trang cũng đề nghị UBND TP.Nha Trang cho phép BQL vịnh phối hợp với đơn vị nghiên cứu khoa học thực hiện khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun để xem xét mức độ phục hồi của hệ sinh thái rạn san hô và làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ hiệu quả. Dự kiến kinh phí khoảng 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách của thành phố.

Thời gian gần đây, hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Nha Trang rất sôi động. Các sự kiện Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023, Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh, Đại nhạc hội 8Wonder… đã góp phần thu hút du khách đến với thành phố biển. Theo báo cáo của TP. Nha Trang, 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đón hơn 2,1 triệu lượt khách lưu trú; trong đó có 601.700 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 9.698 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate