Dự án Nhiệt điện Công Thanh có tổng mức đầu tư 47.000 tỷ (2 tỷ USD) sau khi chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500MW, trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn tại xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá (vị trí hiện trạng của dự án Nhiệt điện Công Thanh). Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm 9 tỷ kWh.
SIÊU DỰ ÁN QUAN TRỌNG CỦA THANH HÓA
Tổng diện tích sử dụng đất 197,3ha gồm khu vực Nhà máy chính 64ha (không tăng diện tích so với dự án Nhiệt điện Công Thanh), tuyến ống cấp thải nước làm mát và tuyến ống khí 15ha, khu vực kho cảng LNG 18,3ha, diện tích mặt nước cảng LNG 100ha. Nhiên liệu chính là LNG nhập khẩu, tiêu thụ khoảng 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm. Công nghệ Tuabin khí chu trình hỗn hợp.
Phương án đấu nối dự kiến: Đấu nối về TBA 500kV Hưng Yên (trong trường hợp tiến độ của TBA 500kV Hưng Yên phù hợp với tiến độ dự án) hoặc đấu nối về TBA 500 kV Nam Hà Nội (trong trường hợp tiến độ của TBA 500kV Nam Hà Nội phù hợp với tiến độ dự án) hoặc đấu nối về TBA 500kV Long Biên. Tổng mức đầu tư cho dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2,0 tỷ USD.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch 01 Nhà máy điện LNG với công suất 1.500 MW được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 và 01 Nhà máy điện LNG với công suất 1.500 MW được xem xét trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch các vị trí tiềm năng tại khu vực Quỳnh Lập - Nghệ An hoặc Nghi Sơn - Thanh Hóa.
Hiện nay, Dự án Nhiệt điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, san lấp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng để đầu tư nhà máy; Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh đã tích cực làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài (như các Tập đoàn BP, GE, Quỹ đầu tư Actis) để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án Nhiệt điện Công Thanh bằng nhiên liệu khí LNG.
Vì vậy, dự án có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa dự án đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG. Mặt khác, tại trang 8, Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 có nội dung: “Với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo”.
Thanh Hóa cho rằng Dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu, đảm bảo sớm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo”.
Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Công thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho dự án Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500MW.
BĂN KHOĂN VÌ CHỦ ĐẦU TƯ “NỢ NHƯ CHÚA CHỔM”
Được biết, Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Công Thanh được thành lập từ năm 2006, với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Năm 2010, số vốn này đã tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Ban đầu lĩnh vực sản xuất chủ yếu của công ty này là clinker và cho thuê xe trộn bê tông, đến nay công ty xi măng Công Thanh đã phát triển mạnh và trở thành tập đoàn Công Thanh với 9 công ty thành viên. Các sản phẩm và dịch vụ chính của tập đoàn: Xi măng, Nhiệt điện, Phân đạm, Vận tải, Khách sạn, Resort, Sân golf.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Công ty cổ phần Tập đoàn Công Thanh đã được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư, giao đất, cho thuê đất để thực hiện 10 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng hơn 36.500 tỷ đồng, trong đó có 09 dự án đầu tư trong Khu kinh tế Nghi Sơn, 01 dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
Trong 10 dự án, chỉ có 01 dự án cơ bản thực hiện xong phát huy hiệu quả, còn lại 09 dự án đang trong tình trạng dang dở, bết bát.
Dự án Khu du lịch Golden Coast Resort có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 15,36 ha. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép nghiên cứu đầu tư, xây dựng từ năm 2006, địa điểm đầu tư xây dựng tại xã Hải Hòa, xã Binh Minh huyện Tĩnh Gia. Đến nay dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh có tổng mức đầu tư 21.480 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 70 ha. Dự án này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ 2008, địa điểm thực hiện đầu tư xây dựng tại KCN số 2 – KKT Nghi Sơn. Hiện doanh nghiệp đang xin chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí LNG.
Dự án đầu tư xây dựng cảng chuyên dụng Công Thanh có tổng mức đầu tư là 2.212 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 22,5 ha. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2011. Đến nay, dự án chưa thể đưa vào hoạt động.
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 6 - Khu Kinh tế Nghi Sơn có tổng mức đầu tư là 283 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 6,45 ha. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2015. Đến nay, Công ty đã hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đất đai, môi trường. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn tiếp tục dang dở.
Dự án xây dựng Khu cư xá cho công nhân của Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2008, diện tích khoảng 11 ha. Đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể đưa dự án vào sử dụng.
Dự án Khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại tại thành phổ Thanh Hóa được UBND tỉnh giao đất năm 2009, với diện tích 17.963 m2, thời hạn sử dụng đất 50 năm. Đến nay, công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai; chưa hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý như giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cam kết cụ thể về tiến độ triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Đáng chú ý, kết thúc năm 2022, Xi măng Công Thanh lỗ lũy kế lên tới 6.080 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm gần 5.180 tỷ đồng và bị kiểm toán từ chối cho ý kiến, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Hết năm 2022, tổng tài sản của công ty đạt 12.318 tỷ đồng giảm 3.5% so với năm 2021. Tài sản ngắn hạn giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Nợ phải trả tăng từ 16.767 tỷ đồng lên 17.498 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn chiếm đến 61% tổng nợ ngắn hạn.