May 14, 2014 | 18:07 GMT+7

Nợ xấu ngân hàng: Bao giờ “Mời anh ra cho!”?

Minh Đức

Nợ xấu vẫn chưa lộ diện hết, khi có nhiều thứ để mất nếu phơi ra hết

Chính phủ đã có một cơ chế quan trọng, cho phép Ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần ngân hàng yếu kém để trực tiếp xử lý.
Chính phủ đã có một cơ chế quan trọng, cho phép Ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần ngân hàng yếu kém để trực tiếp xử lý.
Giống như tái cơ cấu ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã làm chủ được thái độ của thị trường để thúc ép và lôi nợ xấu ra. Nhưng để lôi được ra hết lại là chuyện khác.

Dành gần cả buổi sáng để trò chuyện khi VnEconomy tham vấn về xu hướng tăng trở lại của nợ xấu, một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Muốn nhìn nhận đúng nợ xấu thì có lẽ anh đừng nghiêm trọng hóa vấn đề, đừng vội đưa ra các chỉ tiêu gắn với nó vì như thế các tổ chức tín dụng sẽ căn vào đó để báo cáo”.

Có nhiều thứ để mất

Bên cạnh 5 lý do khiến nợ xấu tăng trở lại như đề cập ở bài viết trước, vị chuyên gia trên đưa ra một góc nhìn bổ sung đáng chú ý: nợ xấu tăng một phần còn do ngân hàng từ từ công khai và hạch toán rõ ràng hơn.

Nợ xấu đã tích tụ từ nhiều năm chứ không phải đến nay mới có. Thực tế, trước đây cả hệ thống vẫn quen với mức độ dưới 3%, vẫn nói là kiểm soát được. Nhưng kể từ khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói thẳng trước Quốc hội, cuối 2011, người ta mới dần quen với các tỷ lệ 9-10% một cách chính thức hơn.

“Không phải Ngân hàng Nhà nước không biết nợ xấu thực tế cao hơn nhiều mức dưới 3%. Họ biết, nhưng dường như họ muốn công chúng và thị trường từ từ đón nhận, tránh những hoảng hốt và phản ứng bất lợi trên thị trường khiến tình hình càng xấu hơn. Bởi như thế sẽ có thêm nhiều thứ để mất”, chuyên gia VnEconomy tham vấn đặt tình huống.

Và theo ông, có thể thấy hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm chủ được thái độ của thị trường, hạn chế được những xáo trộn khi bày nợ xấu ra để tìm cách xử lý - điều tương tự làm được khi tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Mặt khác, cơ quan này cũng đã thúc ép các tổ chức tín dụng hạch toán sát thực hơn, công khai hơn thực tế nợ xấu, qua hàng loạt các cuộc thanh tra toàn diện cũng như từng bước nâng các tiêu chuẩn phân loại nợ và trích lập dự phòng.

“Hai năm qua mình làm được việc tốt là khuyến khích công khai nợ xấu và thực hiện trích lập dự phòng. Các ngân hàng bắt đầu mạnh dạn công bố, nhưng chưa công bố hết, ở đâu đó người ta vẫn điều chỉnh làm sao đó để không quá xấu”, vị chuyên gia từng hơn hai mươi năm trực tiếp làm việc tại các ngân hàng thương mại đánh giá.

Vì sao chưa công bố hết, vẫn có điều chỉnh để không quá xấu? Vì những ngân hàng có nhiều nợ xấu có nhiều thứ để mất nếu hạch toàn sòng phẳng và công khai hoàn toàn. Hay theo ví von của ý kiến trên: “Nói dối để còn cơ hội từ từ giải quyết”.

Nợ xấu ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ngân hàng trong mắt đối tác, khách hàng; ảnh hưởng đến các giới hạn an toàn dẫn đến điều kiện hoạt động hạn chế; việc trích lập dự phòng lớn làm lợi nhuận giảm, có thể lỗ, mà lỗ dẫn tới vốn điều lệ sụt xuống, ở các ngân hàng nhỏ còn là ranh giới đảm bảo vốn pháp định…

Thế nên, tình huống điều chỉnh nợ xấu được đặt ra nếu ngân hàng buộc phải cân nhắc làm sao có lợi cho mình. Nếu như xem 3% là một ngưỡng chấp nhận được, thì sẽ không loại trừ có động cơ điều chỉnh sao đó để có mức 2,9%. Ở tình huống này, ngân hàng mới chỉ xử lý hình ảnh mà chưa thực sự xử lý nợ xấu.

Bao giờ “Mời anh ra cho!”?

Cuối 2011 đầu 2012, tại Tp.HCM, trước thềm một số phòng giao dịch của ba ngân hàng đầu tiên hợp nhất là cảnh người dân “cơm nắm muối vừng”. Họ lo ngại và canh khoản tiền gửi của mình.

Thời điểm đó, nhiều ngân hàng bên bờ vực đổ vỡ thanh khoản. Câu chuyện tái cơ cấu rộ lên, gây thêm áp lực. Khó khăn rồi cũng qua. Đến nay, hàng loạt ngân hàng công bố phương án sáp nhập, hợp nhất, tình hình hệ thống nói chung vẫn lặng lẽ.

Ở câu chuyện nợ xấu, dường như Ngân hàng Nhà nước cũng đi các bước tương tự như vậy, để làm chủ được thái độ của thị trường, tránh những phản ứng, xáo trộn khiến tình hình xấu thêm. Cùng với đó là hướng thúc ép các tổ chức tín dụng làm rõ nợ xấu của mình, thêm thực tế để dồn đẩy đến yêu cầu tái cơ cấu.

Dù có những bước đi tích cực, song để lôi được hết nợ xấu ra hạch toán rạch ròi, trích lập đầy đủ là chưa thể. Vì thế, nếu nợ xấu tiếp tục tăng cũng không phải là bất ngờ. Ví như nợ xấu của những ông lớn như Vinashin, Vinalines đã thực sự điểm tên bao nhiêu, điểm đủ thì sao? Hay chừng nào hàng loạt dự án bất động sản bỏ hoang còn nằm đó mà chưa có mặt trong nợ xấu thì còn khó chốt lại con số cuối cùng. Nợ xấu vẫn chưa thể lộ thiên hết.

Dù thế nào, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã phơi ra một thực trạng, tìm và triển khai các giải pháp xử lý. Đến nay, sau hai năm lần lượt triển khai, các giải pháp cũng đã phát huy tác dụng nhất định.

Thế nhưng, có một giải pháp mà vị chuyên gia trên cho là mạnh mà chưa thể làm: Ngân hàng Nhà nước thực sự vào cuộc.

Ở mong muốn lý tưởng, chuyên gia này hình dung tình huống Ngân hàng Nhà nước trực tiếp nhảy vào ngân hàng có nhiều nợ xấu, gạt những ông chủ, nhưng người điều hành ngân hàng đó ra để chấn chỉnh lại.

“Anh quản lý điều hành ngân hàng dẫn đến nợ xấu lớn, thậm chí để tổ chức hay “người nhà” thao túng dẫn đến nợ xấu và thua lỗ. Thế thì anh phải trả giá chứ! Tôi chỉ mua lại cổ phần của anh, ngân hàng anh với 1 đồng tượng trưng thôi, mời anh ra cho để tôi xử lý cái nợ xấu đó, đưa ngân hàng trở lại lành mạnh và hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước có thực lực để làm được điều đó”, chuyên gia này nói.

Và ông cho rằng, dường như việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng thời gian qua mới chỉ để cứu các cổ đông, thay vì bắt họ phải trả giá để thực sự cứu ngân hàng đó.

Quan điểm về giải pháp trên bước đầu cũng đã có cơ sở. Chính phủ đã có một cơ chế quan trọng, cho phép Ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần ngân hàng yếu kém để trực tiếp xử lý.

Nhưng có lẽ hiện đang là giai đoạn tái cơ cấu tự nguyện, khuyến khích hạch toán đúng nợ xấu để tự xử lý, nên Ngân hàng Nhà nước chưa bắt buộc để dùng đến giải pháp: “Mời anh ra cho!”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate