February 12, 2013 | 23:52 GMT+7

Nỗi buồn ngân sách

Lê Hường

Có năm, đến cuối tháng 11, nhiều cán bộ thuế có thể “thủng thẳng” công việc vì nhiệm vụ thu ngân sách

Càng đến cuối năm 2012, ngành tài chính đã dốc toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhưng con số vượt thu cũng chỉ vỏn vẹn 0,3%. <br>
Càng đến cuối năm 2012, ngành tài chính đã dốc toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhưng con số vượt thu cũng chỉ vỏn vẹn 0,3%. <br>
Vài năm trước, kể cả lúc nền kinh tế được coi là gặp khó khăn, các cán bộ thuế vẫn hoan hỉ đón Tết với tỷ lệ tăng thu ngân sách trên mức 10%. Càng đến cuối năm 2012, ngành tài chính đã dốc toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhưng con số vượt thu cũng chỉ vỏn vẹn 0,3%.

Tỷ lệ vượt thu dựa chủ yếu vào nguồn thu từ dầu thô. Đáng ngại hơn, con số vượt thu từ nguồn này đang ghi những kỷ lục mới trong những năm gần đây.

Có năm, đến cuối tháng 11, nhiều cán bộ thuế có thể “thủng thẳng” công việc vì nhiệm vụ thu ngân sách của cả năm đã xong hoặc gần như hoàn tất. Năm 2010, tổng thu ngân sách trong 11 tháng đạt 478.570 tỉ đồng, vượt 3,7% so với dự toán thu cả năm. Đến hết tháng 11 năm 2011, tổng thu ngân sách nhà nước cũng được báo cáo đã ở mức 616.000 tỷ đồng và mức dự thu 674.000 tỷ đồng của cả năm được cho là hoàn toàn trong tầm tay.

Vượt thu, chưa hẳn đã mừng


Trước đó, năm 2008 được đánh giá là một năm kinh tế rất khó khăn, dự toán thu ngân sách được đặt ra là 323.000 tỷ đồng, trong đó, thu từ dầu thô là 65.600 tỷ đồng. Quyết toán ngân sách năm 2008 cho thấy, số thu ngân sách đạt 430.549 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô lên đến 89.603 tỷ đồng.

Như vậy, thu ngân sách nhà nước năm 2008 vượt dự toán đến 33%, đáng chú ý, nguồn tăng thu năm này vẫn dựa chủ yếu vào tăng thu dầu thô, mức tăng thu dầu thô lên đến 24.003 tỷ đồng, tương ứng mức vượt thu 36,6%.

Xu thế vượt thu khá khác biệt trong năm 2009, là năm hiếm hoi trong 5 năm trở lại đây, số thu từ dầu thô thấp hơn dự toán. Số dự toán thu ngân sách là 389.900 tỷ đồng, trong đó, thu từ dầu thô là 63.700 tỷ đồng.

Quyết toán năm 2009, thu ngân sách nhà nước đạt 454.786 tỷ đồng, vượt 16,6% so với dự toán, nhưng thu từ dầu thô chỉ đạt 61.137 tỷ đồng, bằng 96% so với dự toán, trên cơ sở sản lượng dầu thanh toán đạt 15,4 triệu tấn, giá bán bình quân đạt 58 USD/thùng. Đây cũng là năm hiếm hoi khi cả dự toán về sản lượng và giá bán dầu thô đều thấp hơn thực hiện, lần lượt ở mức 15,86 triệu tấn và 70 USD/thùng.

Thế nhưng, thực trạng vượt thu ngân sách và vượt thu từ dầu thô tái diễn trong những năm tiếp theo. Năm 2010, số thu cân đối ngân sách theo dự toán Quốc hội là 461.500 tỷ đồng, trong đó, thu từ dầu thô là 66.300 tỷ đồng. Quyết toán năm 2010, số thu cân đối ngân sách đạt vượt thu đến 27,5% so với dự toán và thu từ dầu thô là 69.179 tỷ đồng, tương ứng mức vượt thu 4,3%.

Tương tự, con số quyết toán ngân sách của năm 2011 vẫn chưa được công bố nhưng mức dự thu của Bộ Tài chính cho thấy tỷ lệ vượt thu đạt khoảng 13,4% so dự toán. Đáng chú ý trong năm này, thu dầu thô ước đạt 100.000 tỷ đồng, vượt đến 44,3% so dự toán.

Diễn biến thu ngân sách đảo chiều khá mạnh trong năm 2012 cùng với mức độ đổ dốc lớn của thị trường bất động sản, tỷ lệ tồn kho tăng cao trong khi lạm phát ở mức thấp. Dự toán thu ngân sách nhà nước cả năm 2012 là 740.500 tỷ đồng, Bộ Tài chính cho biết lũy kế thu cả năm ước đạt 742.380 tỷ đồng, chỉ tăng được 0,3% so với dự toán, một con số quá nhỏ bé trong so sánh với mức vượt thu từ 10% - 30% của các năm trước.

Như vậy, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước mới chỉ hoàn thành về mặt tổng số thu, nếu không kể số thu từ dầu thô, nhiệm vụ thu năm 2012 chỉ đạt 92,9% so với dự toán, trong đó những khoản thu từ khu vực kinh tế đều không đạt dự toán và có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong 4 khoản thu của ngân sách nhà nước, thu từ dầu thô và thu viện trợ có mức tăng vọt so với dự toán lần lượt là 66% và 40%. Trong khi đó, 2 khoản thu khác là thu nội địa và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đều không đạt dự toán, lần lượt ở mức 92,9% dự toán và 85,4% dự toán. Khoản thu được so đo trên báo chí nhiều nhất trong năm qua là thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn vượt thu 17%.

Về số thu từ dầu thô, Tổng cục Thuế cho biết, giá dầu thô xuất khẩu bình quân năm 2012 đạt 118 USD/thùng, cao hơn 33 USD/thùng so với dự toán, tương ứng tỷ lệ 38%. Do đó, mức vượt thu từ dầu thô “nhờ cậy” đáng kể vào sản lượng thanh toán vượt 4,1% và chênh lệch giữa giá dự toán và giá thanh toán.

Doanh nghiệp chưa khỏe, tăng thu nhờ đâu?


Bộ Tài chính đánh giá, bên cạnh yếu tố giảm thu do thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế, số thu trong năm đạt thấp do ảnh hưởng trực tiếp từ sức khỏe của nền kinh tế trong và ngoài nước.

Tăng trưởng kinh tế thấp, hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn là ôtô, xe máy, hàng điện tử.... tiêu thụ chậm do sức mua giảm. Bên cạnh đó, thị trường nhà đất trầm lắng kéo dài, việc triển khai đấu giá đất tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng, thu ngân sách từ đấu giá tiền sử dụng đất đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với năm 2011.

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chịu thuế giảm so với năm 2011, làm ảnh hưởng tới số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu. Thêm vào đó, việc thực hiện các quy định chặt chẽ đối với một số mặt hàng nhập khẩu như ôtô, rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động... cũng làm giảm lượng nhập khẩu, dẫn đến giảm số thu thuế từ các hoạt động này.

Việc nắm bắt, đánh giá tình trạng hoạt động của doanh nghiệp mặc dù đã được cải thiện một bước, song kết quả đạt được chưa cao, ở một số thời điểm số liệu báo cáo còn chưa sát với thực tế. Tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2012 ở mức cao, dự kiến khoảng 7,8%, nguyên nhân chủ yếu do tình hình kinh tế trong năm qua gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho tăng cao, sản xuất kinh doanh trì trệ.

Tình trạng thất thu, nhất là các nguồn thu từ đất đai, từ khai thác tài nguyên khoáng sản, khu vực ngoài quốc doanh, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài,... gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế chậm được khắc phục.

Điểm đáng buồn khác trong thu ngân sách năm nay là 5 đầu tầu kinh tế gồm Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng đều không đạt dự toán thu ngân sách nhà nước 2012. Những tỉnh có số thu lớn do công nghiệp phát triển cũng không có mặt như Bình Dương, Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Đặc biệt, 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 tỉnh hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước 2012 là Bến Tre và Bạc Liêu.

Một trong những nguyên nhân khiến việc thu ngân sách khó đạt được là do gia tăng số lượng doanh nghiệp chậm nộp thuế, thậm chí phá sản tăng vọt khiến thu nội địa sụt giảm mạnh.

Đại diện Cục Thuế Tp.HCM khẳng định: “Chưa bao giờ trong nhiều năm qua, việc thực hiện thu ngân sách nhà nước lại khó khăn như năm 2012”.

Đại diện Cục Thuế Đà Nẵng cũng cho biết, nguồn thu từ thuế thấp nhất trong 15 năm qua. Số liệu thống kê gần đây nhất của ngành thuế cho thấy, tính đến 20/11/2012, cả nước đã có 46,5 nghìn doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động.

Theo Bộ Tài chính, năm 2012 đánh dấu công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá vì đây là lần đầu tiên thực hiện thành công việc thanh tra giá chuyển nhượng, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình, cách thức tiến hành theo tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế.

Trong đó, tập trung thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, nhà hàng, khách sạn, ngành ngân hàng, giao nhận nước ngoài. Đẩy mạnh phối hợp với cơ quan công an ngăn chặn kịp thời các hành vi trốn thuế, gian lận và tội phạm trong lĩnh vực thuế. Thông qua đó, toàn ngành thuế đã truy thu gần 12 nghìn tỷ đồng.

Khép lại năm 2012, ngành thuế khẳng định đã đạt thắng lợi kép trong thu ngân sách vì đã đạt chỉ tiêu thu ngân sách đồng thời thực hiện được chính sách giãn giảm thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét từ hai nguồn thu có ý nghĩa trụ cột là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, mức tăng thu đều không đạt kỳ vọng. Đây cũng là năm đầu tiên trong 5 năm qua, 2 khoản thu này không vượt dự toán.

Mặt khác, khi ngành thuế dồn sức đốc thu bằng nhiều giải pháp khác nhau, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục kêu ca về thủ tục hành chính thuế vẫn khá tốn kém và các hoạt động thanh kiểm tra thuế tiếp tục gây phiền phức cho cộng đồng doanh nghiệp.

Xác định tình hình thu ngân sách tiếp tục căng thẳng trong năm 2013, ngành thuế cho biết sẽ đẩy mạnh các giải pháp hạn chế thất thu, trong đó tập trung vào chống chuyển giá, thanh tra thuế với thương mại điện tử.

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 của ngành thuế là hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước được giao là 644.500 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 99.000 tỷ đồng, thu nội địa là 545.500 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 39.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, nhìn lại cơ cấu thu ngân sách 5 năm qua, không khỏi đáng ngại về tỷ trọng thu dầu thô trong tổng thu ngân sách. Năm 2008, thu từ dầu thô chiếm 20,8% tổng thu ngân sách. Năm 2009, tỷ trọng thu dầu thô trong tổng thu ngân sách là 13,4%. Con số này trong các năm 2010, 2011 lần lượt ở mức 11,75%, 12,5% và tăng vọt lên mức 18,9% trong năm 2012.

Theo dự toán năm 2013, thu dầu thô chiếm 15,36% tổng thu ngân sách. Như vậy, thu từ dầu thô hay còn gọi là nguồn thu “một lần” vẫn ở mức cao và tăng dần qua các năm. Có thể thấy, loại tài nguyên không có khả năng tái tạo này đang cạn kiệt từng ngày nhưng khả năng góp vốn cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế vẫn chưa cải thiện.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate