Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, yếu tố an toàn đã trở thành một yêu cầu, một nội dung bắt buộc trong mọi hoạt động du lịch. Do đó, chương trình khôi phục du lịch nội địa cần được triển khai một cách linh hoạt, thích ứng, tiến tới khôi phục du lịch trong bối cảnh “sống chung” với Covid-19.
NÊN ƯU TIÊN DU LỊCH NỘI ĐỊA
Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, hiện nay rất nhiều công ty du lịch không thể cầm cự thêm nữa, trong khi kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế sẽ không dành cho số đông doanh nghiệp và địa phương.
"Đẩy mạnh du lịch nội địa an toàn giữa các vùng xanh sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp, địa phương được tham gia và hưởng lợi hơn, trong bối cảnh nhiều đơn vị đã rất khó khăn như hiện nay. Các tour du lịch sẽ theo hình thức khép kín và được giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo an toàn," ông Phùng Quang Thắng nói.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Bảo Hiếu – Chủ tịch Ana Marina Nha Trang cho rằng Việt Nam cần tập trung phục vụ du khách nội địa, thậm chí việc mở cửa du lịch quốc tế tại Phú Quốc cũng cần cân nhắc. “Liệu khách quốc tế có chọn Phú Quốc để bị du lịch trong bong bóng hay không, trong khi họ có nhiều lựa chọn khác tự do hơn? Nếu chuẩn bị tất cả sau đó khách đến rất ít thì sẽ là lãng phí.
Trong khi thực tế Phú Quốc rất phù hợp với du lịch nội địa, chúng ta nên xây dựng Phú Quốc thành điểm đến an toàn cho người Việt trước đã. Khi các nước thấy Phú Quốc đã an toàn, người Việt đã du lịch thoải mái thì khách quốc tế nhất định sẽ quan tâm và muốn đến," ông Đặng Bảo Hiếu nhận định.
"Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhu cầu mới, làm thay đổi hoàn toàn thị trường du lịch trong nước," ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc VietfootTravel nhận xét và kiến nghị ngành du lịch cần đánh giá và định vị lại chính sách cho khách nội địa trong những năm tới. "Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu dân trong nước".
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết trước dịch, việc quảng bá và gom khách tại các thị trường quốc tế mất từ 6 tháng trở lên, do đó muốn thực thi kế hoạch này trong thời gian tới thì cần thêm thời gian. Việc ưu tiên và thiết thực nhất hiện nay là tập trung vào khách Việt Nam đi du lịch trong nước. “Việc áp dụng thẻ xanh đối với ngành du lịch trong nước là một ý kiến hữu ích. Người được tiêm vaccine đầy đủ 2 mũi sẽ được nới lỏng, đi lại tự do nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm qui chuẩn an toàn, phòng chống dịch bệnh,” bà Khanh nói.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty Hanoitourist, cho rằng, trong khi chờ thí điểm đón khách đến Phú Quốc, du lịch nội địa vẫn là cứu cánh cho các địa phương, doanh nghiệp vì nhiều đối tượng được tham gia hơn. Với tiêu chí an toàn là trên hết, các tour và dịch vụ cần khép kín, có kế hoạch giám sát, điểm tra, đánh giá về an toàn; xây dựng các tuyến, điểm tham quan, điểm dừng cụ thể; chỉ lựa chọn các đơn vị cung ứng an toàn; có phương án điều hành, kiểm soát tour an toàn... Ngoài ra, cần tham khảo cơ quan Y tế để có quy trình phù hợp nhất trong phòng chống dịch.
DU LỊCH AN TOÀN TRONG BỐI CẢNH “SỐNG CHUNG” VỚI COVID-19
Tại chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 đợt 4" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 28/9, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh tiêu chí an toàn là yêu cầu bắt buộc cho ngành kinh tế du lịch trong trạng thái "sống chung với Covid-19".
Đẩy mạnh du lịch nội địa an toàn giữa các vùng xanh sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp, địa phương được tham gia và hưởng lợi hơn, trong bối cảnh nhiều đơn vị đã rất khó khăn như hiện nay.
Theo đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề xuất chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, kết nối khách du lịch đi từ "vùng xanh" tới "điểm du lịch xanh" một cách an toàn. Theo đề xuất này, du khách trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 là có thể đi du lịch nội địa, tùy theo mức độ dịch bệnh của điểm đi, điểm đến mà cần thêm kết quả âm tính từ xét nghiệm PCR hoặc test nhanh trong khoảng từ 48 - 72 giờ. Du khách dưới 18 tuổi cần kết quả âm tính với xét nghiệm PCR để du lịch tới các tỉnh, thành phố khác.
"Vấn đề cốt lõi là du lịch an toàn, mọi người đều nói nhưng tiêu chí cụ thể thì chưa được thống nhất. Rất nhiều địa phương lo sợ mất an toàn, không ủng hộ du lịch. Vì vậy lúc này chính là thời điểm cần phải khôi phục du lịch nội địa. Chỉ có thông qua thực tiễn với những đoàn khách cụ thể, chúng ta mới có thể điều chỉnh và thống nhất về du lịch an toàn," ông Vũ Thế Bình cho biết.
Trong khi đó, Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Công ty du lịch Asia Sun Travel, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội (VISTA) tại Hội thảo trực tuyến Xanh - Xanh do VISTA tổ chức mới đây, đã nhận xét: khởi động lại du lịch nội địa lần này, các doanh nghiệp có vẻ thờ ơ hơn vì sức cùng lực cạn. Đơn vị nào còn sức thì im lặng nghe ngóng tiếp, chờ thị trường “ấm” trở lại mới dám khởi động, còn doanh nghiệp nào quyết định đi tiếp thì phải chọn đi đường vòng.
Chưa kể, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các đối tượng làm trong ngành du lịch không thuộc diện ưu tiên tiêm vaccine trước nên cũng ảnh hưởng tới kế hoạch khôi phục. Bà Thảo cho rằng, trong tháng 10, các doanh nghiệp lữ hành cần tổ chức thí điểm ngay 1 - 2 tour cụ thể, có sự phối hợp giữa các địa phương theo chương trình “bong bóng du lịch” để vừa làm trực tiếp, vừa rút kinh nghiệm thực tế, nhất là việc di chuyển của khách.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành công ty Vietrantour, để khởi động lại ngành du lịch, cần có giải pháp tâm lý cho cả doanh nghiệp và du khách. Với các doanh nghiệp lữ hành, lo ngại nhất là vấn đề nhân sự. Ngoài ra, cần lựa chọn điểm đến một cách chọn lọc, không ham quá nhiều sản phẩm mà tập trung vào các tour trọng điểm; công khai cơ sở dịch vụ, khách sạn tham gia và các đơn vị này phải ký cam kết, từ đó doanh nghiệp lữ hành yên tâm xây dựng tuyến điểm.
Để kích hoạt du lịch nội địa, ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Giám đốc công ty Hanoitourist, cho hay, đơn vị này đã xây dựng 5 nhóm sản phẩm, dự kiến triển khai từ tháng 10. Đó là sản phẩm homestay an toàn (chọn 20/200 homestay an toàn gần Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn…); khách sạn an toàn; caravan an toàn (về Ninh Bình, Phú Thọ, Đông Tây Bắc…); du lịch mùa thu an toàn (tour ngắn ngày, từ Hà Nội đi Bình Liêu, Mù Cang Chải, Mộc Châu,...); dịch vụ MICE an toàn. Trong đó, đưa khách đến Đường Lâm là chương trình du lịch an toàn mẫu sau thí điểm sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định triển khai sớm.