Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 được Quốc hội thông qua cho phép bội chi 87.300 tỷ đồng, tương đương 4,82% GDP nhưng với đà suy giảm kinh tế, số thu ngân sách giảm mạnh trong quý 1/2009, đang dấy lên những lo ngại về bội chi trong năm nay.
Theo nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, tổng thu cân đối ngân sách năm 2009 là 389.900 tỷ đồng, bằng 21,5% GDP; tổng chi ngân sách nhà nước năm 2009 là 491.300 tỷ đồng; bội chi được Quốc hội cho phép là 87.300 tỷ đồng (khoảng 5,1 tỷ USD).
Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn trong quý 1/2009 đã khiến cho nguồn thu ngân sách giảm mạnh.
Khoảng cách thu chi quá xa
Tại hội nghị trực tuyến ngày 10/4/2009 giữa Bộ Tài chính với 63 tỉnh thành, số liệu thống kê cho thấy, quý 1/2009, thu ngân sách nhà nước ước đạt 86.270 tỷ đồng, giảm 20% (trên 15.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2008.
Trong đó, hầu hết các địa phương dự kiến đều bị sụt giảm nguồn thu so với năm 2008: Hà Nội giảm 9.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc giảm 2.500 tỷ đồng, Hải Phòng giảm 896 tỷ đồng...
Theo phân tích của Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân khiến thu ngân sách bị sụt giảm như hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản và chứng khoán đi xuống; giãn thu thuế thu nhập cá nhân, giãn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế VAT; suy giảm các nguồn thu từ dầu thô; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ.
Nếu thu ngân sách không được cải thiện trong những quý còn lại của năm, sẽ khó có thể đạt được mức thu ngân sách như dự toán của Quốc hội và gây áp lực lớn lên thâm hụt ngân sách.
Trong khi đó, mức chi ngân sách năm nay rất lớn. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức trong quý 1/2009 nhưng phải thấy rằng, những tháng đầu 2009, Chính phủ đã bỏ ra những khoản ngân sách khá lớn giải quyết nhu cầu vốn lưu động cho doanh nghiệp (gói kích cầu 17 nghìn tỷ đồng), giải quyết an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh...
Chưa kể, từ 1/4/2009, gói kích cầu thứ hai với mức hỗ trợ lãi suất 4%, kéo dài trong hai năm cũng tiêu tốn một khoản chi không nhỏ.
Lường trước được vấn đề này, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2009, Bộ Tài chính đã đưa vấn đề tăng mức bội chi ngân sách ra trước Chính phủ và Chính phủ đã nhất trí trình lên Quốc hội trong phiên họp tháng 5 tới.
Theo đó, mức bội chi ngân sách năm nay dự kiến sẽ không vượt quá 8% GDP so với mức 5% của giai đoạn 2005-2008.
Tại hội thảo “Tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới - Chính sách ứng phó của Việt Nam” do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, cảnh báo: “Thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm nay sẽ là một thách thức vô cùng lớn và theo ước tính của chúng tôi, có thể từ 10-12% GDP (8-10 tỷ USD) chưa kể các khoản chi không được đưa vào ngân sách”.
Bù đắp thâm hụt như thế nào?
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội (CERP), thâm hụt ngân sách Chính phủ có thể được bù đắp từ các nguồn dài hạn như vay quốc tế như phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế hoặc vay nợ nước ngoài, vay nội địa (chủ yếu là phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương) và các nguồn ngắn hạn như vay từ Ngân hàng Nhà nước từ nguồn dự trữ ngoại tệ hoặc vay từ Kho bạc Nhà nước thông qua điều chuyển những khoản tiền còn dư chưa dùng đến.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ là rất khó khăn.
Đề nghị của Chính phủ về việc tăng phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2009 thêm 11.500 tỷ đồng và chuyển tiếp khoản tiền hơn 7.733 tỷ đồng đã huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ, chưa dùng hết của năm 2008 sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới đây.
Nhưng ngay cả khi đề nghị này được thông qua, liệu số tiền này có thấm vào đâu khi mà giảm thu ngân sách ngay trong quý 1 đã lên tới 15.000 tỷ đồng so với năm 2008?
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate