Ghi nhận từ các doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản xuất khẩu tháng 6/2023 cho thấy tình trạng thiếu đơn hàng vẫn tiếp diễn. Thị trường suy giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn phải cố gắng duy trì sản xuất theo các đơn hàng cũ để chờ khi có đơn đặt hàng mới sẽ xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp phải duy trì sản xuất để giữ chân người lao động đã góp phần làm cho lượng hàng tồn kho khá lớn.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế nửa cuối 2023, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng tình trạng dư thừa hàng tồn kho đã khiến các nhà bán lẻ Mỹ khiên cưỡng đặt hàng mới. Do vậy, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc bán hàng và tìm kiếm đơn hàng mới hiện nay là rất quan trọng.
TÌM MỌI CÁCH ĐỂ BÁN ĐƯỢC HÀNG
Tại Việt Nam thời điểm này, hàng hóa tồn kho ngành chế biến, chế tạo có dấu hiệu gia tăng tại một số địa phương được coi là “thủ phủ sản xuất công nghiệp”. Đơn cử, ở TP.HCM, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2023 ước tính tăng 4% so với tháng trước.
Không những vậy, nếu tính chung trong 5 tháng đầu năm nay thì chỉ số này đã tăng đến 11,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, tại Đồng Nai, trong tháng 5/2023, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 5% so với tháng trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng khá cao như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng hơn 56%; sản xuất đồ uống tăng gần 149%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng gần 20%; ngành dệt tăng gần 8%...
Hàng tồn kho gia tăng đồng nghĩa với tình trạng đọng vốn vào hàng hóa khiến doanh nghiệp không có tiền mặt để xoay xở. Các doanh nghiệp đang tìm mọi cách biến hàng tồn kho thành tiền, đồng thời vẫn phải sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng để duy trì việc làm cho người lao động.
Suốt 2 tháng qua, ông Huỳnh Công Tiến cùng ê kíp Phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Toàn Tiến (TP.HCM) - chuyên gia công các sản phẩm may mặc cho các thương hiệu lớn, phải chạy đôn chạy đáo bán hàng và tiếp cận khách hàng mới. “Hàng trăm công nhân cùng máy móc thiết bị không thể nằm không, cùng với lượng hàng gia công xuất khẩu trị giá hơn 50.000 USD tồn kho từ thời điểm dịch đến nay, khiến công ty phải tìm mọi cách bán được hàng”, ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Việt Âu Mỹ (Bình Dương), cho biết chưa khi nào sức mua của ngành gỗ ì ạch như năm nay. Từ quý 4/2022 đến nay, các đơn hàng xuất khẩu ở các thị trường chính là Anh, Mỹ ngày càng teo tóp. Chi phí nguyên vật liệu tăng, tăng hàng tồn kho, nợ phải trả cũng gia tăng. Tình hình hiện tại khiến cho các doanh nghiệp ngành gỗ càng thêm chồng chất khó khăn và đối mặt sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí người lao động, nguyên liệu đầu vào.
Tình hình tương tự với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Thành phẩm chế biến tồn kho, cộng với lãi suất ngân hàng tăng cao đang tạo áp lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng chủ lực vùng nông nghiệp trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023 thay vì phục hồi từ quý 3/2023 như những dự báo trước đây.
Theo các doanh nghiệp, mối bận tâm lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí duy trì hoạt động và giải quyết hàng tồn kho. Tức là vẫn luôn phải có nguồn tiền trong sản xuất và giữ được các đơn hàng. Sau thời gian dài, nguồn lực của doanh nghiệp đang giảm nhanh. Để tồn tại, họ buộc phải cơ cấu lại các mặt hàng, tìm hiểu thị trường, sức mua, nhu cầu thực tế của thị trường. “Thời điểm này mọi năm, doanh nghiệp đã có thể chuẩn bị cho các đơn hàng vào dịp cuối năm nhưng năm nay tình hình rất trầm lắng. Do đó, các doanh nghiệp rất mong sức tiêu thụ của thị trường sớm được hồi phục”, chủ một doanh nghiệp đồ uống ở TP. Biên Hòa chia sẻ...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2023 phát hành ngày 03-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam