Chỉ có 6 ý kiến phát biểu trong gần một giờ khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 22/5.
Nhiều nội dung tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được sự đồng tình của các vị đại biểu. Trong đó có quy định về cho vay kinh doanh cổ phiếu.
Trong quá trình thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu và hoàn thiện dự án luật sau kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định cấm ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu như dự thảo luật.
Vì, cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu có mức độ rủi ro rất lớn, có thể gây mất an toàn đối với từng ngân hàng thương mại và toàn bộ hệ thống ngân hàng, đồng thời cũng có thể là nhân tố gây mất ổn định cho thị trường chứng khoán khi các ngân hàng cho vay phải bán tháo cổ phiếu cầm cố.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục cho phép ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu như quy định hiện hành.
Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị trường vốn của Việt Nam còn rất non trẻ, trong khi đó nguồn vốn dài hạn trong nền kinh tế lại rất hạn chế, do vậy cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán, chuyển nhượng cổ phần nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư vào cổ phiếu.
Hơn nữa, việc cấm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán sẽ làm mất lợi thế và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng và thị trường tài chính Việt Nam.
Do vậy, để thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam phát triển, cần quy định cho phép các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trong ngắn hạn để thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là hoạt động rất rủi ro, do đó, để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng cần thiết phải quy định các điều kiện, giới hạn mà các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cho vay hoạt động này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bỏ quy định cấm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Dự thảo luật mới nhất đã được bổ sung quy định giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng cũng đã được chỉnh lý để mở rộng phạm vi hoạt động của ngân hàng thương mại. Về cơ bản, sau khi chỉnh lý, dự thảo luật đã quy định đầy đủ và cụ thể phạm vi hoạt động kinh doanh của ngân hàng, bao gồm các hoạt động ngân hàng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết.
Theo đó, đối với các ngân hàng thương mại, ngay khi được cấp phép thành lập và hoạt động có thể được thực hiện ngay 20 nhóm hoạt động kinh doanh. Chỉ có 6 nhóm hoạt động kinh doanh có nhiều rủi ro phải xin phép để được hoạt động.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, sau khi được chỉnh lý, những quy định của dự luật đã tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tự chủ năng động hơn và sự giám sát cũng chặt hơn. Tuy nhiên một số nội dung còn mang tính định hướng, những vấn đề định lượng vẫn cần chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, về góp vốn mua cổ phần luật hiện hành đã ấn định số 11% của ngân hàng thương mại và công ty con của ngân hàng thương mại có thể được mua trong vốn điều lệ, nay lại giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định là một bước thụt lùi. Đại biểu Quyền đề nghị tỷ lệ này cần được xác định ngay trong luật để tránh tùy tiện.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên giải thích, việc giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định về một số vấn đề trong dự luật là xuất phát từ thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ và chính sách lãi suất trong nhiều năm qua và để phù hợp với tình hình của từng thời kỳ.
Theo chương trình kỳ họp, chiều 16/6 Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate