February 21, 2017 | 09:44 GMT+7

“Nỗi sợ trách nhiệm” có vào đề án luật xử lý nợ xấu?

Minh Đức

Vẫn còn những chiều quan điểm về quyết định cắt lỗ để đẩy nhanh xử lý nợ xấu

Tại thời điểm 30/9/2012, nợ xấu được ước tính thận trọng ở mức 17,21%, nhưng nếu đánh giá toàn diện và thanh tra chất 
lượng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng thì con số có thể còn lớn 
hơn nữa.
Tại thời điểm 30/9/2012, nợ xấu được ước tính thận trọng ở mức 17,21%, nhưng nếu đánh giá toàn diện và thanh tra chất lượng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng thì con số có thể còn lớn hơn nữa.
Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cùng các đầu mối liên quan có những cuộc họp bàn về xây dựng kế hoạch, nội dung đề án luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Trong giai đoạn 2011-2015, thị trường đã chứng kiến sự nhượng bộ, hoãn binh trong các giải pháp hạn chế tác động của nợ xấu, qua đó tạo điều kiện để từng bước xử lý.

Nay, định hướng xây dựng một bộ luật, hoặc có thể một nghị quyết của Quốc hội, đặt ra. Tuy nhiên, nếu được xây dựng và ban hành, khung pháp lý này dự kiến sẽ mất nhiều thời gian, trong khi việc xử lý nợ xấu không thể “tạm ứng” trước hướng hoặc khả năng điều chỉnh luật được.

Quá trình xử lý nợ xấu theo đó sẽ còn khó khăn kéo dài, ngay cả ở vấn đề quan điểm.

Hơn một năm về trước, VnEconomy từng nêu câu chuyện thực tế của đại diện một tổ chức tư nhân tự bỏ tiền, tự thu xếp nguồn đi mua nợ xấu, nhưng khó mua vì vướng “nỗi sợ trách nhiệm”.

Khi đó, đại diện tổ chức trên giải thích rằng, kinh doanh đương nhiên phải mua được giá tốt, để sinh lời; giá càng thấp càng tốt. Nhưng, với ngân hàng thương mại, bán lại nợ xấu giá thấp là quyết định khó khăn, họ không dám cắt lỗ nợ xấu.

Giả dụ, khoản nợ xấu trị giá 100 đồng trên sổ sách, để hấp dẫn người mua và tăng khả năng bán được, giá phải giảm xuống còn 80 đồng, thậm chí 70 đồng. Thế nhưng, nếu bán, 20-30 đồng thất thoát tài sản đó ai sẽ chịu trách nhiệm, người ký bán về sau có bị truy cứu trách nhiệm hay không…?

Tại một cuộc họp về định hướng xây dựng nội dung đề án luật nói trên, lãnh đạo một tổ chức liên quan cũng đề nghị: cần chấp nhận cắt lỗ nợ xấu, xác định trách nhiệm liên quan cho người bán rõ ràng, nêu rõ trong luật. Nếu có luật quy định cụ thể, bảo vệ người bán, gỡ được “nỗi sợ trách nhiệm” ở đây, thì tiến độ xử lý nợ xấu sẽ thực chất và nhanh hơn.

Ngược lại, như từng đặt ra trong giai đoạn 2011-2015, quan điểm khác là không nên nóng vội bán nợ xấu, không bán với giá thấp gây thất thoát tài sản. Quan điểm này cho rằng, phần lớn nợ xấu được bảo đảm bằng bất động sản, thị trường khó khăn và giá giảm sâu trong giai đoạn trên, nên bán có thể đúng đáy; thay vào đó là chờ thị trường phục hồi để bán có giá tốt hơn…

Hiện chưa có những diễn đàn cụ thể và mở rộng ra công chúng về những quan điểm, hướng nội dung xây dựng đề án luật hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Theo đó, vẫn chưa có những kết luận cuối cùng về “nỗi sợ trách nhiệm” nói trên.

Trong khi đó, nợ xấu vẫn còn lớn, nhiều khó khăn pháp lý còn nằm đó.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho biết, trước đây, tại thời điểm 30/9/2012, nợ xấu được ước tính thận trọng ở mức 17,21%. Nhưng cơ quan này cho rằng, nếu đánh giá toàn diện và thanh tra chất lượng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng thì nợ xấu có thể còn lớn hơn nữa.

Đến cuối 2016, riêng nợ xấu tính theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, mức độ đã được kiểm soát dưới ngưỡng 3%. Nhìn lại, không có nhiều thay đổi về tỷ lệ báo cáo chung so với cuối năm 2015, vẫn quanh 2,4-2,5%. Vì sao vậy?

Ngân hàng Nhà nước giải thích, tỷ lệ nợ xấu không giảm nhiều so với cuối năm 2015 do nợ xấu mới phát sinh trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, cơ quan này đề cập đến phần phải trả cho cơ chế “đẩy về tương lai”, hoặc có thể gọi là “tạm ứng kết quả tương lai” trước đây: lượng lớn lẽ ra trước đây là nợ xấu những được cơ cấu lại, nhưng qua thời hạn cơ cấu khách hàng vẫn không thanh toán được, để rồi lần lượt nhận về từ năm 2016.

Nhìn sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tính đến 31/12/2016, nợ phải xử lý vẫn còn tới khoảng 190.000 tỷ đồng; trong đó có phần bán lại trước đây rất lớn từ các “ông lớn” như Agribank và BIDV, chứ không chỉ tập trung ở các ngân hàng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt.

Để tiếp tục đẩy mạnh xử lý, xử lý thực chất, đề án xây dựng một bộ luật riêng để hỗ trợ đang là tâm điểm chuẩn bị chính sách đặt ra thời điểm này.

Đó là chiến lược đường dài, nếu một bộ luật riêng hỗ trợ xử lý nợ xấu tới đây ra đời. Còn hiện tại, như trên, để một bộ luật ra đời và đi vào hiệu lực thường mất nhiều thời gian. Trong khi thực tế có hàng loạt vướng mắc pháp lý trong xử lý nợ xấu, mà Ngân hàng Nhà nước vừa tập hợp và công bố gần đây, chứ không riêng vấn đề “nỗi sợ trách nhiệm” trong cắt lỗ nợ xấu.

Và khi không thể “tạm ứng” trước hướng sửa đổi, tháo gỡ luật, thì trước mắt kết quả xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu nhìn vào nỗ lực tự xử của hệ thống, qua nỗ lực thu hồi và gia tăng trích lập dự phòng rủi ro như những năm gần đây.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate