Theo hãng tin Bloomberg, Nokia sẽ phải đóng cửa hai trong số 4 trung tâm phân phối khu vực của công ty tại Trung Quốc. Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ được Nokia công bố hồi tháng trước nhằm ngăn chặn tình hình thua lỗ do doanh thu smartphone sụt giảm.
Cụ thể, Nokia sẽ đóng cửa các trung tâm phân phối của hãng ở Thành Đô (Tứ Xuyên) và Thượng Hải, củng cố các hoạt động tại trung tâm phía bắc ở Bắc Kinh và phía nam ở thành phố Quảng Châu, phát ngôn viên Nokia tại Bắc Kinh, bà Anna Shipley cho biết trong bức thư gửi ngày hôm nay.
Kế hoạch này sẽ bao gồm việc sa thải nhân công, phát ngôn viên Nokia cho biết thêm nhưng không cung cấp chi tiết.
Theo các nguồn tin, Giám đốc điều hành Nokia Stephen Elop hiện đang tái tổ chức lại Nokia sau khi thị phần của iPhone và các dòng điện thoại Samsung ngày càng tăng đã o ép công việc kinh doanh smartphone của hãng di động Phần Lan. Hôm 14/6, Nokia cho biết sẽ cắt giảm 10.000 nhân công trên toàn cầu và đóng cửa một vài cơ sở.
Dự kiến, Nokia sẽ công bố báo cáo kinh doanh hàng quý vào ngày 19/7 tới. Giới phân tích cho rằng, khả năng doanh số bán dòng điện thoại Lumia của Nokia sẽ ở mức 3,8 triệu chiếc. Đây là con số kém ấn tượng bởi Nokia đã coi dòng điện thoại Windows Phone của mình là con át chủ bài để cạnh tranh với Apple và Samsung.
Trước đó, trong quý 1/2012, Nokia đã bán được hơn 2 triệu chiếc điện thoại Lumia chạy hệ điều hành Windows Phone, trong khi Apple bán được 35,1 triệu chiếc iPhone. Với mức tăng chưa tới gấp 2 lần trong quý 1, xem ra chiến lược nương tựa Windows Phone của Nokia không mấy thành công.
Một điều đáng ngạc nhiên khác là mẫu Lumia 610 mới là giải pháp duy trì sự sống của Nokia, chứ không phải các mặt hàng cao cấp như Lumia 800 hay 900. Nguyên nhân được xác định là đối tác Microsoft của Nokia không hỗ trợ các dòng điện thoại cũ nâng cấp lên Windows Phone 8, nên khách hàng đã quay lưng với các bản Windows Phone 7 cao cấp.
Nhiều người đã lỡ mua bản Lumia cao cấp thì tỏ ra giận dữ và cho rằng mình bị phản bội. Nhưng Nokia không thể xoay chuyển được tình thế. Hãng đã làm tất cả những gì có thể nhưng giống như một người sắp chết đuối không vớ được cọc, Nokia đang chìm dần.
Trong phiên giao dịch hôm ngày 9/7 vừa qua, giá cổ phiếu của Nokia chỉ còn ở mức 1,84 USD (37.000 đồng) và giảm tới 60% so với 3 tháng trước đó, mức giảm lớn chưa từng thấy từ năm 1996. Các nhà đầu tư có vẻ đã hết kiên nhẫn với công ty từng 14 năm liền giữ cương vị nhà sản xuất điện thoại số một thế giới.
Nếu làm phép tính để so với giai đoạn hoàng kim (năm 2000), giá cổ phiếu của hãng điện thoại Phần Lan đã giảm tới 97% song chưa nhìn thấy dấu hiệu phục hồi. Chỉ tính riêng trong năm 2011, giá cổ phiếu của Nokia đã sụt giảm 70% và mất 94% giá trị so với 5 năm trước.
Mặc dù thị phần điện thoại di động toàn cầu của Nokia trong quý 1 vẫn đứng thứ nhì thế giới, với 20,8%, thấp hơn mức 23,5% của Samsung và gấp hơn 2 lần so với mức 8,8% của Apple. Song thực tế, giá trị vốn hóa thị trường của Nokia cũng chỉ còn có 6,89 tỷ USD trong khi đối thủ Apple đang đạt hơn 600 tỷ USD.
Hãng thông tấn SST của Phần Lan đã nhận định một cách hài hước rằng, "Nokia đã nhảy khỏi tấm ván cháy và chìm nhanh như hòn đá tảng". Lời nhận xét có vẻ ác ý này được cho là nhằm ám chỉ tới nội dung bức thư của Stephen Elop gửi tới nhân viên hồi đầu năm 2011.
Trong bức thư đó, Elop nói rằng: "Một người đàn ông đứng trên tấm ván phủ dầu bốc cháy. Ông ta có thể đứng yên trên đó và không tránh khỏi bị ngọn lửa nuốt trọn. Hoặc ông ta nhảy xuống vật lộn trong dòng nước lạnh phủ đầy băng. Ông ta phải lựa chọn. Nokia, con thuyền của các bạn cũng đang cháy".
Trên thực tế, nhận xét của SST cũng không có gì là quá đáng. Người tiêu dùng từng ví von Windows Phone có lẽ là ánh sáng cuối đường hầm của Nokia khi nền tảng Symbian của hãng này đến hồi thoái trào và bị chê tới tấp. Tuy nhiên, giờ có nhiều người lại đùa rằng, ánh sáng cuối đường hầm mà Nokia nhìn thấy là ánh sáng từ đầu tàu xe lửa.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate