Tại hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 13/10, nhiều ý kiến quan ngại về tình trạng lộ thông tin cá nhân; mua bán thông tin cá nhân tràn lan khiến người dân bất an khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, đặc biệt là đối với nông dân, thuộc nhóm yếu thế.
NAN GIẢI TÌNH TRẠNG SIM RÁC, CUỘC GỌI RÁC VÀ MUA BÁN THÔNG TIN CÁ NHÂN
Ông Phạm Văn Quyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt, cho biết trước đây các giao dịch phải thanh toán bằng tiền mặt rất bất tiện như phải đem theo lượng tiền mặt trên người có thể gây rủi ro mất, cướp giật, sai sót trong kiểm đếm thì nay chỉ cần chuyển khoản rất nhanh chóng.
Ngoài ra, nhiều nông dân tham dự hội thảo chia sẻ những lợi ích khác khi sử dụng dịch vụ số của ngân hàng. Trước kia sử dụng tiền mặt thì rất khó để mua bán, giao dịch hàng hóa với các đối tác xa nhưng nay đơn giản hơn rất nhiều thông qua thao tác thanh toán điện tử. Các hợp tác xã có thể mở rộng phạm vi đối tác ra cả nước thậm chí là nước ngoài.
Với các dịch vụ thanh toán điện tử các khoản chi tiêu mua bán đều dễ dàng được kiểm đếm nhanh chóng, chính xác .
Nhiều giám đốc hợp tác xã cho biết khi chưa có thanh toán số qua ngân hàng, các khoản ủy nhiệm chi, hoặc rút tiền về chi tiêu; trả lương cho công nhân bằng tiền mặt, nếu trả tài khoản thì công nhân lại phải đi rút về chi tiêu... Tất cả đều mất phí, như mỗi giao dịch rút tiền mất hơn 3.000 đồng, nhiều giao dịch số tiền cũng đội lên không nhỏ với bà con nông dân vùng nông thôn. Từ ngày có chuyển khoản thì trả lương cho xã viên cũng qua tài khoản, người lao động cũng chuyển dần sang thanh toán bằng app ngân hàng tiện lợi, không mất phí..
“Tuy nhiên, hiện tượng người dân mất tiền trong tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân vùng nông thôn như chúng tôi nhiều khi vô tình nhấn vào đường link giả mạo khiến cho đối tượng lừa đảo rút sạch tiền khiến chúng tôi rất lo lắng, bất an khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Vậy cơ quan chức năng có giải pháp nào để giải quyết vấn nạn này không để chúng tôi yên tâm sử dụng dịch vụ? Khi có tình trạng mất tiền thì chúng tôi biết đòi ai? Tôi cho rằng, chỉ khi các câu hỏi này được trả lời thì những người nông dân như chúng tôi mới thật sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính số”, ông Phạm Văn Quyên nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Sản Xuất và Tiêu Thụ Mỳ Chũ Nam Thể, cũng đặt nhiều câu hỏi về an toàn bảo mật thông tin khi sử dụng các dịch vụ số.
“Hiện nay, đối tượng lừa đảo có nhiều cách để lấy được số căn cước công dân để lừa đảo lấy cắp tiền. Tôi đề nghị cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng sim ảo, sim rác; tăng bảo mật và ngăn chặn việc mua bán thông tin cá nhân để người nông dân yên tâm", ông Nam đề xuất.
Hiện có tình trạng xảy ra ở khu vực nông thôn là có những số điện thoại lạ gọi đến thông báo anh chị có phiếu phạt nguội vì vi phạm luật giao thông, họ biết được cả họ tên đầy đủ, quê quán chính xác...của người dân.
“Như vậy có phải dữ liệu cá nhân của chúng tôi đang được mua bán hay không? Bộ Công an có nắm được vấn đề này không? Phía ngân hàng bảo mật thông tin cho chúng tôi như thế nào nếu chúng tôi sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt trên kênh số? Tôi cũng đề nghị Bộ Công an và các ngân hàng làm rõ vấn đề này và truyền thông tới khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bà con chúng tôi nắm được”, ông Nguyễn Văn Nam nói.
CÓ SỰ CẤU KẾT GIỮA TỘI PHẠM LỪA ĐẢO TRONG NƯỚC VÀ NGOÀI NƯỚC
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng A05, Bộ Công an nhấn mạnh tội phạm mạng, tôi phạm lừa đảo qua mạng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn phổ biến trên toàn cầu, ngay cả những nước tiên tiến như: Mỹ, Úc... cũng có tình trạng lừa đảo qua mạng. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ của Nhà nước, cá nhân chưa tương xứng, thì đương nhiên dấn đến những nguy cơ thách thức liên quan tới tội phạm.
“Hiện nay, hoạt động lừa đảo nó phát triển như một nghề. Có thể nói số lượng người coi lừa đảo là một nghề để hoạt động rất lớn. Do đó, số vụ việc lừa đảo xảy ra là rất rộng, thậm chí có sự cấu kết giữa giữa trong nước và nước ngoài”, Phó Cục trưởng A05 cho biết.
Theo Trung tá Hùng, việc tấn công chiếm quyền điều khiển, hack điện thoại để chuyển tiền từ điện thoại là không phổ biến: “Thường thì người dân bị mất tài khoản bởi các đối tượng lợi dụng hành vi thiếu an toàn, chẳng hạn như các đối tượng gửi các đường links, chúng ta clip vào những links có mã độc khi đó, các đối tượng lợi dụng đánh cắp thông tin của khách hàng. Do đó, người dân không nên click vào những đường links mà mình không biết”.
Thứ hai là các đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng lộ lột trên mạng xã hội để lừa đảo dẫn dắt qua các hình thức được hưởng hoa hồng từ hoạt động thương mại điện tử. Thậm chí, các đối tượng còn tinh vi giả danh công an, Viện Kiểm sát để tham gia các vụ án để yêu cầu người dân chuyển tiền.
“Tôi khẳng định, không có cơ quan công an, Viện kiểm sát nào lại yêu cầu người dân chuyển tiền thông qua điện thoại. Các đối tượng còn tinh vi đến mức, có những đội ngũ ngồi nghiên cứu viết các kịch bản lừa đảo người dân. Do đó, cần có những phương án tuyên truyền, chia sẻ tới người dân", Trung tá Hùng nhấn mạnh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nghiên cứu dự thảo gửi các tổ chức tín dụng, lấy ý kiến về biện pháp xác thực bằng khuôn mặt sinh học, thu thập lấy dữ liệu từ căn cước công dân và đây là tiền để đảm bảo chính chủ khi mở bằng email PC và cũng là tiền đề đảm bảo người mở tài khoản đó là người thực hiện nhiệm vụ thanh toán.
Dự kiến quyết định này sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2024 để các tổ chức tín dụng có thời gian thu thập thông tin của người tiêu dùng.
“Khi đó, chúng tôi tin rằng tình trạng về lừa đảo, gian lận khó xảy ra. Khi người tiêu dùng thực hiện giao dịch ở một hạn mức nhất định sẽ được kiểm tra bằng khuôn mặt sinh trắc học phải khớp với khuôn mặt khi mở tài khoản", ông Tuấn nói.