Trong số đó, rất nhiều nông dân sau khi được vinh danh đã thành lập doanh nghiệp và vươn lên trở thành doanh nhân nổi tiếng trong ngành nông nghiệp.
"VUA CHUỐI" NGAY TRÊN VÙNG ĐẤT PHÈN
Không chỉ đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” được 2 lần vinh danh “Tự hào nông dân Việt Nam”, ông Võ Quan Huy đã trở thành doanh nhân nổi tiếng với Công ty TNHH Huy Long An và đưa thương hiệu chuối “made in Vietnam” ra thị trường thế giới.
Nông dân Võ Quan Huy ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã gắn bó với nông nghiệp trên 40 năm. Đất đai ở xã Hiệp Hòa vừa nhiễm phèn vừa nhiễm mặn, khiến người dân địa phương gọi đây là vùng đất chết bởi không trồng cây gì được ngoài đước và tràm.
"Bắt đầu trồng chuối từ năm 2014, đến nay, mỗi năm chúng tôi xuất khẩu được hàng nghìn tấn sang các thị trường Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc. Mặc dù trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng mô hình trồng chuối xuất khẩu vẫn duy trì ổn định, thậm chí tăng trưởng”.
Năm 2014, sau khi xây dựng trang trại bò Úc hơn 1.000 con ở xã Hiệp Hòa, ông Huy dùng phân bò cải tạo đất phèn và bắt đầu trồng thử nghiệm chuối. Vừa trồng thử nghiệm cây chuối, ông Huy vừa đi các nước tìm hiểu thị trường, mở cửa thị trường cho trái chuối. Chỉ một năm sau đó, ông đã xuất khẩu được trái chuối sang thị trường Nhật Bản.
Năm 2016, ông Huy thành lập Công ty TNHH Huy Long An, trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu trái chuối có thương hiệu Fohla. Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu chuối Fohla của ông Huy đã xâm nhập nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Giải thích về việc đặt tên nhãn hiệu “Chuối Fohla” cho sản phẩm của mình, ông Huy chia sẻ: “Chuối xuất sang Tây phải lấy tên sao cho giống Tây. Fohla cũng là viết tắt của Fruit of Huy Long An - trái cây của Huy Long An. Fohla tiếng Bồ Đào Nha còn có nghĩa là chiếc lá nên logo tôi cũng lấy hình ảnh 2 chiếc lá”.
Đến thời điểm này, Công ty Huy Long An đang quản lý hơn 3.000 ha đất nông nghiệp ở nhiều địa phương, canh tác nhiều loại cây trồng vật nuôi: chuyên canh tôm, nuôi vỗ béo bò Úc, trồng trà, cao su, bưởi da xanh. Đặc biệt, công ty có 500 ha đất chuyên trồng chuối xuất khẩu.
Để đáp ứng yêu cầu của các nước, ông Huy xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ giống, chăm sóc cho đến đóng gói đưa vào kho lạnh tại trang trại. Hàng ngàn nhân công chăm sóc chuối theo quy trình hoàn toàn hữu cơ.
Để bảo đảm trái chuối không bị va đập trong quá trình vận chuyển, ông Huy xây dựng hệ thống vận chuyển bằng ròng rọc trên cao dài hàng trăm km quanh trang trại. Các buồng chuối theo hệ thống này tự động vận chuyển về khu xử lý. Trang trại còn có hệ thống đường ống tưới nước dài khoảng 50 km. Khi trái chuối lớn, từng buồng được “mặc áo” để ngăn chặn sâu bệnh, côn trùng.
“Bắt đầu trồng chuối từ năm 2014, đến nay, mỗi năm chúng tôi xuất khẩu được hàng nghìn tấn sang các thị trường Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc”, ông Huy chia sẻ đồng thời cho biết mặc dù trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng mô hình trồng chuối xuất khẩu của ông vẫn duy trì ổn định, thậm chí tăng trưởng.
Tự nhận doanh nghiệp của mình mới chỉ là “chim sẻ” khi đứng cạnh các “đại bàng” là những doanh nghiệp lớn, “Vua chuối” Long An đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ có các chính sách làm sao để tạo điều kiện thông thoáng cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó “lót ổ” cho “chim sẻ”, để “chim sẻ” được nuôi lớn.
Đối với vấn đề vốn đầu tư, ông Võ Quan Huy cho rằng sau đại dịch Covid-19, khoảng 80% sổ đỏ, quyền sở hữu tài sản của những người làm nông nghiệp đã nằm trong ngân hàng. Do đó, cần có kênh huy động vốn mới. Ví dụ, nông dân vay vốn ngân hàng, nhưng ngân hàng không giải ngân tiền, mà phối hợp với doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp để cấp phân bón, thức ăn chăn nuôi cho nông dân. Còn nông dân sẽ có nghĩa vụ trả lãi suất khoản vay cho ngân hàng. Phương thức này sẽ rất an toàn cho ngân hàng và an toàn cho cả nông dân.
VUA MÁY NÔNG NGHIỆP" 15 TRONG 1
Tạ Đình Huy sinh năm 1982 trong một gia đình thuần nông, ở thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Ngay từ khi còn bé, Huy đã nếm trải nỗi vất vả nhọc nhằn trên cánh đồng.
Lớn lên nhưng không vào được đại học, đành ở nhà và từ cuối năm 2008, Huy tìm mua những chiếc máy nông nghiệp cũ hỏng, đem về tháo ra tìm hiểu, suốt ngày say sưa tháo tháo, lắp lắp. Năm 2010, Huy lặn lội đến nhiều nơi tìm hiểu đặc điểm địa hình, lao động của nông dân, tiếp cận được chi tiết của quá trình vận hành, xử lý máy móc trong những điều kiện cụ thể. Huy còn đến tận xưởng cơ khí ở tỉnh ngoài để học hỏi, tìm gặp những người đi trước trong lĩnh vực chế tạo máy móc nông nghiệp để nắm bắt thị trường, đọc thêm kiến thức trên sách báo… Huy mày mò sáng chế máy nông nghiệp, quyết tâm tạo ra chiếc máy đa năng làm được mọi việc trên cánh đồng.
Trải qua rất nhiều lần thất bại, năm 2014, Huy cho ra mắt chiếc máy nông nghiệp gồm 8 chức năng hoàn chỉnh có thể cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, bơm nước tưới tiêu.
"Thay vì phải trực tiếp lái máy cày, bừa đất như trước đây thì giờ người nông dân có thể đứng ở trên bờ dùng điều khiển từ xa để điều khiển máy chạy như ý muốn.
Tôi chế tạo ra tính năng này là muốn giúp người dân giảm thiểu công sức khi lao động, nhưng hiệu quả công việc vẫn cao”.
Huy chia sẻ: “Lúc đầu tôi mới sáng chế vài ba chức năng đơn giản, sau đó tôi tích hợp được 4 - 5 chức năng. Khi tôi thử nghiệm trên cánh đồng, mọi chức năng đều tốt. Khi đó, mình mới chỉ tập trung làm sao để máy hoạt động tốt chứ chưa nghĩ đến hình thức. Vì thế, chiếc máy đầu tiên khá thô sơ và cồng kềnh, nhiều chi tiết chưa hợp lý. Nó được làm từ một động cơ xe máy, tích hợp thêm nhiều bộ phận để làm đất, cuốc xới cỏ, lên luống để trồng hoa màu đến khâu cày, bừa, phun thuốc bảo vệ cho cây trồng, thậm chí bơm cả nước tưới tiêu cho đồng ruộng và tời kéo thay cho việc gánh vác nặng nhọc trước đây của nông dân".
Chiếc máy nông nghiệp đa năng của Tạ Đình Huy đã đoạt giải Nhất chương trình “Nhà sáng chế”, được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen Gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015. Cũng nhờ sáng chế ra máy nông nghiệp đa năng, Tạ Đình Huy được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” trong chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” năm 2016.
Mặc dù sáng chế của anh nông dân trẻ được cơ quan chức năng thẩm định và cấp bằng sáng chế, nhưng các doanh nghiệp cơ khí lớn lại không mặn mà mua sáng chế này đưa vào sản xuất máy bán ra thị trường. Vì vậy, năm 2017, Tạ Đình Huy đã thành lập Công ty cổ phần sản xuất máy nông nghiệp đa năng Hòa Phát với nhãn hiệu máy nông nghiệp đa năng AHM.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ riêng ở Hà Nội, mà nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận và khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long như Đắk Nông, Gia Lai, Bạc Liêu... cũng đến tận nơi đặt hàng mua máy của Tạ Đình Huy sản xuất. Anh còn nhận được đơn đặt hàng từ Lào, Campuchia. Tính đến nay, Huy đã bán được khoảng 5.000 chiếc máy nông nghiệp đa năng.
Đến nay, sau nhiều lần chỉnh sửa, hiện nay, chiếc máy nông nghiệp đa năng của Tạ Đình Huy đã được cải tạo nhiều về mặt hình thức và có tới 15 chức năng phục vụ hầu hết các công đoạn từ đơn giản đến phức tạp như: làm đất, phun thuốc sâu, bơm nước, cày, bừa, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, tời, bơm nước, đào hố trồng cây…
Đặc biệt năm 2019, anh Huy đã sáng chế thành công bộ phận điều khiển từ xa, chỉ cần bấm nút, chiếc máy sẽ tự động cày bừa, người nông dân sẽ không phải tốn công sức vận hành như trước đây.
Anh Huy cho biết: “Thay vì phải trực tiếp lái máy cày, bừa đất như trước đây thì giờ người nông dân có thể đứng ở trên bờ dùng điều khiển từ xa để điều khiển máy chạy như ý muốn. Tôi chế tạo ra tính năng này là muốn giúp người dân giảm thiểu công sức khi lao động, nhưng hiệu quả công việc vẫn cao”.
Mặc dù làm được mọi việc trong sản xuất nông nghiệp, nhưng máy lại có giá bán chỉ từ 7 - 12 triệu đồng/chiếc, tùy theo nhu cầu lắp đặt ít hay nhiều chức năng. Trong khi đó, những chiếc máy cày do các doanh nghiệp cơ khí lớn sản xuất, chỉ làm được một việc, nhưng giá bán từ 15 triệu đồng trở lên.