UBND TP.HCM đã ban hành “Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2024 – 2025”.
THU HỒI ĐẤT CÔNG ĐƯỢC QUY HOẠCH LÀ ĐẤT CÔNG VIÊN
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, dự báo của các trung tâm khí hậu trên thế giới, trạng thái El Nino kéo dài từ đầu năm 2024 cho đến tháng 4/2024 với xác suất rất cao. Từ tháng 5/2024 khả năng này giảm dần, cho đến tháng 6/2024 thì khả năng chuyển sang pha trung tính có xác suất cao hơn. Mùa nắng nóng năm 2024 với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối trong mùa nắng nóng ở các tỉnh Đông Nam bộ có thể lên tới hơn 39 - 40 độ C, số ngày có nắng nóng diện rộng trong các tháng 4 - 5 cao hơn mọi năm.
Lý giải cho hiện tượng này, theo các nhà chuyên môn, ngoài nguyên nhân do hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân nóng lên tại TP.HCM còn do hiệu ứng “đảo nóng đô thị” do thành phố hiện có ít cây xanh, các đường phố hẹp với các tòa nhà cao tầng, làm giảm dòng không khí lưu thông.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng đang quá thiếu không gian xanh. Tỷ lệ đất trồng cây xanh công cộng tại TP.HCM chỉ đạt 0,55m2/người, trong khi Hà Nội 2,06m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người và Hải Phòng khoảng 3,41m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cây xanh đô thị đặc biệt khoảng 15 m2 /người (theo TCVN 9257:2012).
Bên cạnh đó, số lượng dân cư gia tăng, số lượng xe cơ giới, máy điều hòa và các thiết bị làm lạnh tăng cao khiến cho hiệu ứng nóng lên này càng trầm trọng hơn. Lượng rác thải, chất thải nhiều hơn trong đô thị cũng góp phần tác động đến sự thay đổi nhiệt độ của thành phố.
Trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và khắc nghiệt, thời tiết tại TP.HCM những năm gần đây ngày càng nóng lên, không khí nóng bức, ngột ngạt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Sự thay đổi về nhiệt độ có thể kéo theo sự thay đổi về môi trường sinh thái, khiến cho dịch bệnh phát triển hơn. Do mật độ dân cư đông nên mức độ ảnh hưởng của việc gia tăng nhiệt độ khiến thời tiết tại TP.HCM càng đáng ngại.
Theo đó, UBND TP.HCM đã ban hành “Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2024 – 2025”.
Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu: phát triển tối thiểu 68 ha công viên công cộng; phát triển tối thiểu 04 ha mảng xanh công cộng; trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh và đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một là, phát triển công viên, mảng xanh: đầu tư xây dựng công viên, mảng xanh công cộng, trong các dự án phát triển nhà ở; rà soát, thu hồi việc sử dụng, cho thuê đất công được quy hoạch là đất công viên để đầu tư xây dựng.
Hai là, xây dựng kế hoạch chỉnh trang hệ thống cây xanh đường phố; Trồng mới và cải tạo cây xanh đô thị.
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công viên, cây xanh bằng việc lập và phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với từng công viên công cộng tập trung; Quy trình, định mức công tác quản lý, chăm sóc công viên, mảng xanh theo cấp độ…
Bốn là, nghiên cứu, hợp tác phát triển thông qua việc phối hợp cùng các đơn vị trong và ngoài nước để phát triển lĩnh vực công viên cây xanh thành phố.
UBND TP.HCM giao giám đốc các sở, ban/ngành, các cơ quan trực thuộc UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể, đạt hiệu quả, kết quả theo yêu cầu.
UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng là đầu mối tổng hợp, đôn đốc các đơn vị thực hiện và báo cáo UBND thành phố định kỳ hằng năm công tác triển khai thực hiện của các đơn vị.
TRỒNG LẠI CÂY XANH CHO TUYẾN METRO SỐ 2
Về việc đốn hạ 453 cây xanh để làm tuyến Metro số 2, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã cho biết đây là sự lựa chọn bất khả kháng. Sau khi thi công xong, công trình sẽ thực hiện tạo mảng xanh và trồng lại cây xanh theo thiết kế đồng bộ với công trình tuyến Metro số 2.
Cụ thể, tổng số cây xanh phải di dời và đốn hạ phục vụ thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) và thi công các nhà ga ngầm, ga trên cao (giai đoạn 2) là 453 cây xanh (49 cây được di dời và 380 cây đốn hạ).
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, sở dĩ lượng cây bứng dưỡng không nhiều vì qua thực tiễn, việc bứng dưỡng để trồng lại có tỷ lệ sống rất thấp, trong khi đó, chi phí bảo dưỡng cao. Ngoài ra, cây có kích thước lớn khi bứng, di dời buộc phải cắt phần lớn rễ. Do bị cắt các rễ lớn nên khả năng tái tạo rễ như cũ là không thể, vì vậy không thể trồng lại trên đường phố vì nguy cơ ngã đổ là rất cao.
Về phương án thay thế, tái bố trí mảng xanh, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết việc thiết kế tái bố trí cây xanh, mảng xanh trong phạm vi ảnh hưởng của tuyến Metro số 2 sẽ được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ. Theo đó, việc tái tạo mảng xanh và trồng lại cây tại các vị trí nhà ga tuyến Metro số 2 hiện đã được bố trí trong dự án CTF/Quỹ công nghệ sạch do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ và được Ban Quản lý dự án công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư.