Ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng, đặc biệt là đối với nông sản và thủy sản. Tuy nhiên, chúng ta lại đang biến những thế mạnh thành… thách thức cho mình.
Quan điểm trên được đưa ra tại buổi tọa đàm về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KorCham) tại Việt Nam tổ chức, sáng 22/1/2016.
“Cơ hội rất lớn, nhưng…”
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nói, dễ nhận thấy nhất là từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn loay hoay câu chuyện về tiêu thụ nông sản cho nông dân, mà chưa có những giải pháp thực tế căn cơ, bền vững; hay chuyện đi đâu cũng thấy phản ánh, than phiền, lo ngại về về việc rau quả, thực phẩm không an toàn; chưa có niềm tin với nông sản nội…
Chính phủ đã có Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, song theo ông Ngọc, hai năm rồi nghị định này vẫn chưa đi vào cuộc sống.
“Mất hàng năm trời để đưa ra những thông tư hướng dẫn. Hay khi chúng tôi đi đến các địa phương tìm hiểu, vận động thực hiện Nghị định thì địa phương nào cũng bảo không có vốn để triển khai”, ông Ngọc nói.
Tại tọa đàm, một số chuyên gia cho rằng, trong lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế, chắc chắn sẽ phải tái cấu trúc nông nghiệp, tuy nhiên, nếu không đưa được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì việc tái cấu trúc nông nghiệp cũng sẽ không bao giờ thành công được.
Đồng thời, cần có những giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam không còn hoạt động kiểu manh mún, nhỏ lẻ.
Theo ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), khi Việt Nam ký kết các hiệp định FTA, tiêu biểu như VKFTA (chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015), chính là cơ hội để tái cấu trúc ngành nông nghiệp.
Vị Phó vụ trưởng cũng cho rằng, với VKFTA, các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã có một thị trường rất lớn và có giá trị cao, dĩ nhiên nếu như nông sản Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Hàn Quốc.
Nên, “thách thức hay cơ hội là ở chính doanh nghiệp. Cơ hội rất lớn, nhưng doanh nghiệp nếu không nắm được, không thích ứng được thì đó là rào cản, là thách thức”, ông Hải nói.
“Khó tính” mới tốt
Mặc dù có nhiều hạn chế, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang có một tín hiệu vui, theo các diễn giả tại toạ đàm.
Đó là một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát… đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp, điều cho thấy ngành này đang trở nên hấp dẫn hơn.
Khi VKFTA đã trở thành hiện thực, nông sản, thuỷ sản Việt có nhiều thuận lợi để xuất khẩu vào một thị trường có giá trị như Hàn Quốc.
Ngược lại, “độ mở” của hiệp định cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư của Hàn Quốc đến đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam.
“Các loại thuế và mức thuế cho nông sản, thủy sản… sẽ được cắt giảm, điều đó cũng có nghĩa các doanh nghiệp Việt đang có cơ hội rất lớn để đưa sản phẩm vào thị trường Hàn Quốc”, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch KorCham đánh giá.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam có thể học tập, tham khảo các mô hình phát triển nông thôn của Hàn Quốc, như việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, ông Ngọc nói, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam thay vì “tạm yên tâm” hoặc thỏa mãn vì đã xuất khẩu vào các thị trường dễ tính… thì cần phải đặt ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe hơn, để đảm bảo xuất khẩu được vào thẳng thị trường khó tính như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
“Có như vậy mới tận dụng được cơ hội mà hiệp định FTA mang lại”, nhiều vị tham gia tọa đàm phân tích.
Các ý kiến cũng cho rằng, khi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của Hàn Quốc vào Việt Nam theo chính sách của VKFTA, với các lợi thế về trình độ kỹ thuật, độ chuyên nghiệp, mức độ ứng dụng công nghệ, khả năng cao về cạnh tranh thị trường, chắc chắn sẽ tạo áp lực khiến các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thay đổi, thích ứng để cạnh tranh.