Châu Âu đối mặt với sự gián đoạn mới về nguồn cung năng lượng, khi nhà vận hành một đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan đi qua Nga ngày 22/8 cho biết đường ống đã bị hỏng và cần sửa chữa. Cùng với đó, giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt sau khi có tin Nga chuẩn bị khoá đường ống dẫn khí Nord Stream 1 trong 3 ngày để bảo trì.
Theo tin từ Reuters, nhà vận hành đường ống CPC - tuyến vận chuyển của khoảng 1% nguồn cung dầu toàn cầu và có cổ đông lớn nhất là công ty đường ống quốc doanh Nga Transneft nắm cổ phần 24% - cho biết hoạt động xuất khẩu dầu tại 2 trong số 3 điểm xuất của đường ống tại một cảng dầu trên Biển Đen đã bị dừng. Lý do được đưa ra là xuất hiện những vấn đề kỹ thuật cần được khắc phục.
CPC (Caspian Pipeline Consortium) cho biết phải dừng việc xuất dầu từ hai điểm SPM-1 và SPM-2 do hỏng hóc tại “điểm kết nối giữa các ống dẫn dưới nước với bể nổi chứa dầu”.
Trong khi đó, vào cuối tuần vừa rồi, Nga tuyên bố sẽ tiến hành bảo trì bất thường đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 trong 3 ngày vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu hiện đã giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phương Tây cáo buộc Nga siết nguồn cung cấp năng lượng nhằm đẩy giá dầu thô và khí đốt tăng cao với mục đích trả đũa các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp lên Nga liên quan đến cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine. Về phần mình, Nga phủ nhận những cáo buộc này, nói rằng Nga là một nhà cung cấp đáng tin cậy và luôn thực hiện đúng hợp đồng, và nguồn cung năng lượng suy giảm là do chính các biện pháp trừng phạt và các vấn đề kỹ thuật.
CPC (Caspian Pipeline Consortium) cho biết phải dừng việc xuất dầu từ hai điểm SPM-1 và SPM-2 do hỏng hóc tại “điểm kết nối giữa các ống dẫn dưới nước với bể nổi chứa dầu”. Nhà vận hành đường ống này nói rằng việc xuất khẩu dầu hiện chỉ có thể được thực hiện qua đường ống SPM-3.
CPC nói sẽ thay thế các linh kiện bị hỏng tại hai điểm xuất dầu và đang tìm kiếm một đơn vị có thể thực hiện công việc này, nhưng không đưa ra thời gian dự kiến cụ thể đến khi nào thì đường ống được sửa xong.
Nguồn thạo tin nói với Reuters rằng một điểm xuất dầu của SPM có thể xử lý dưới 70% công suất bình thường của đường ống CPC. Kazakshtan sử dụng CPC như con đường xuất khẩu dầu chính, nên gián đoạn này có thể buộc Kazakshtan phải cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Giá khí đốt tại thị trường châu Âu tăng chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Hai. Một vài sự cố gây gián đoạn tại các mỏ khí đốt ở Na Uy và Anh càng đẩy mối lo ngại lên cao.
Giá khí đốt giao tháng kế tiếp tại sàn TTF ở Hà Lan - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - tăng 19%, lập kỷ lục mới ở mức 291,5 Euro/megawatt giờ. Tính đến tuần trước, giá khí đốt tại sàn giao dịch này đã tăng 4 tuần liên tiếp.
Giá khí đốt giao ngay tại thị trường Anh tăng 125 pence lên 490 pence/đơn vị nhiệt Anh; giá khí đốt hợp đồng giao ngày kế tiếp tăng 123 pence lên 484 pence/đơn vị nhiệt Anh.
Theo hãng tin CNBC, châu Âu đang lo sợ rằng Nga sẽ khoá luôn đường ống Nord Stream 1 trong đợt bảo trì này để đẩy các nước châu Âu vào một “mùa đông lạnh giá” chưa từng có tiền lệ. Bị đặt vào thế rủi ro lớn nhất chính là Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cho tới gần đây phụ thuộc tới khoảng 40% vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Đức đang xoay sở mọi cách để làm đầy dự trữ khí đốt, phòng kịch bản bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn.
Giá năng lượng leo thang gây áp lực lớn lên ngân sách của các hộ gia đình, đẩy lạm phát ở châu Âu lên mức cao nhất nhiều thập kỷ và nền kinh tế khu vực ngấp nghé bờ vực suy thoái.
Khó khăn đối với Đức và các nước châu Âu khác vào lúc này không chỉ là sự khan hiếm khí đốt mà còn là giá khí đốt tăng chóng mặt từng ngày. Giá năng lượng leo thang gây áp lực lớn lên ngân sách của các hộ gia đình, đẩy lạm phát ở châu Âu lên mức cao nhất nhiều thập kỷ và nền kinh tế khu vực ngấp nghé bờ vực suy thoái.
Chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg Bank nói rằng tuyên bố khoá Nord Stream 1 để bảo dưỡng trong 3 ngày mà Gazprom đưa ra có thể được coi là một động thái nhằm đánh vào sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung khí đốt Nga.
“Bản thân việc đóng cửa đường ống trong thời gian ngắn sẽ không gây ra khác biệt lớn, nhất là khi Nga đã giảm cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất đường ống từ hôm 27/7”, ông Schmieding viết trong một báo cáo. “Nhưng việc này cho thấy hai rủi ro lớn: một là Nga có thể nói rằng họ không thể mở đường ống trở lại sau đó vì một ‘vấn đề kỹ thuật’ chỉ có thể được giải quyết bằng cách phương Tây dỡ trừng phạt; và hai là Nga sau đó có thể cũng khoá các đường ống khác dẫn khí đốt sang châu Âu”.
Ông Schmieding cũng nói rằng giá khí đốt tăng cao hơn và nguồn cung ngày càng khan hiếm hơn sẽ “làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái kinh tế mà châu Âu đang rơi vào”. Vị chuyên gia cũng cảnh báo nếu Nga tiếp tục giảm cung cấp khí đốt trong thời gian tới, Đức nhiều khả năng sẽ không có đủ khí đốt để dùng trong mùa đông năm nay.