“Tôi nghĩ, nếu được, bài viết này có thể truyền cảm hứng đến các bạn trẻ rất năng động và tài năng của Việt Nam khi lựa chọn con đường sự nghiệp hay kinh doanh, giúp các bạn suy nghĩ thêm về các giá trị khác ngoài giá trị kinh tế, cụ thể là giá trị tạo tác động cho xã hội, văn hoá và môi trường,” Lê Ngọc Uyên mở đầu cuộc trao đổi với người viết bằng một câu nói thể hiện rõ quan điểm làm kinh doanh khác biệt của cô.
QUAN TRỌNG LÀ GIÁ TRỊ NỀN TẢNG CỦA DOANH NGHIỆP
Uyên Lê hiện đảm nhiệm vị trí Giám đốc Kinh doanh tại Việt Trang Handicraft (Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, Khu công nghiệp làng nghề, thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “tạo tác động xã hội” còn khá lạ lẫm tại Việt Nam.
Hãy chọn công việc mà mỗi ngày thức dậy mình có nhiều động lực và thấy ý nghĩa của cuộc sống nhiều hơn!
- Uyên Lê -
Con đường đưa cô đến với doanh nghiệp này rất tự nhiên, “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Uyên có một người bạn thân tên là Mai Thị Anh Đào, người hiện đang là đối tác kinh doanh của Uyên, còn Việt Trang là công ty của gia đình Anh Đào. Theo Uyên, đây là cái duyên đầy may mắn với cô, bởi vì “em gặp được partner hợp ý ngay lần đần tiên tự bơi ra kinh doanh. Ở giai đoạn 25 tuổi, em thấy mình không đủ nguồn lực để “tuyển chọn" partner nên việc có được partner vừa giỏi vừa hợp ý để có thể hợp tác lâu dài đến hôm nay với em là một sự may mắn khách quan”.
Mẹ Anh Đào là nghệ nhân nổi tiếng Trần Thị Việt. Bà đã rất cởi mở và tin tưởng để mời Uyên, một nhân tố mới bên ngoài vào nhằm thổi luồng gió mới để thay đổi doanh nghiệp của gia đình. Đó cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho một doanh nghiệp lâu đời thực sự muốn thay đổi và phát triển.
Theo Uyên Lê, Việt Trang Handicraft có đầy đủ yếu tố mà cô có thể làm việc lâu dài; những giá trị về xã hội và văn hoá đầy cảm hứng. Tuy nhiên, sản phẩm và câu chuyện chưa đến được tốt với thị trường và Uyên thấy đây là nơi cô có thể vận dụng năng lực của mình về kinh doanh, marketing, sự ham thích sáng tạo và đặc biệt là các giá trị nhân văn kia.
“Tôi không chỉ tập trung vào hiệu quả kinh doanh của một công ty để quyết định có tham gia hay không, mà tôi nhìn vào giá trị nền tảng của công ty đó có phù hợp không, từ đó mới tự tin có thể làm cho công ty tốt hơn vượt bậc. Đó là yếu tố chủ quan trong lựa chọn về với Việt Trang và lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của tôi,” Uyên Lê chia sẻ.
Hiện tại, Việt Trang đang đem lại giá trị cho cộng đồng những nghệ nhân đan lát ở một số làng nghề thủ công truyền thống, giúp tăng thu nhập gia đình. Đặc biệt, doanh nghiệp này giúp tạo việc làm cho những người lớn tuổi, những phụ nữ khi họ muốn vừa có thu nhập vừa có thể chăm sóc con cái và gia đình.
Theo Uyên, về mặt giá trị văn hoá, Việt Trang đang làm rất tốt trong việc gìn giữ nghề truyền thống, ngoài ra còn góp phần nâng cao nghề đan lát lâu đời của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Cô đã xây dựng chiến lược phát triển cho doanh nghiệp này theo hướng hiện tại và tương lai vẫn sẽ tập trung vào hai giá trị xã hội nói ở trên, bên cạnh việc cân bằng với giá trị kinh tế trong kinh doanh.
Uyên Lê cho biết: “Sau hơn 4 năm tôi gia nhập, Việt Trang từ một doanh nghiệp chưa sẵn sàng xuất khẩu hiện đã xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của công ty đã đến được với tất cả các châu lục trên thế giới”.
Công ty cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng toàn cầu về sự khác biệt trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như cách thức hợp tác chuyên nghiệp và luôn đổi mới sáng tạo, mặc dù công ty hoạt động trong một lĩnh vực được xem là truyền thống, có hơi hướng “làng quê".
Kết quả chọn lựa doanh nghiệp của một người trẻ được học hành bài bản tại nước ngoài và trở về nước cống hiến như Uyên đến từ hai nguyên nhân chủ quan và khách quan, theo cô. Nói về yếu tố chủ quan, Uyên kể cô biết đến khái niệm “doanh nghiệp tạo tác động xã hội" từ năm 2009, có thể nói là rất sớm khi ở Việt Nam hầu như chưa xuất hiện, trong một đợt cô đi thực tập ở Phillipines. Sau khi về nước, ra trường và đi làm, cô vẫn làm việc qua các công ty corporate và tech-startup, nhưng trong suy nghĩ Uyên luôn biết mình muốn tự kinh doanh vì đó là sở trường và khả năng của bản thân.
Cô nói: “Tôi xác định được giá trị bản thân mình theo đuổi là làm bất kỳ việc gì ngoài yếu tố về hiệu quả tài chính, kinh tế, thì mình phải tạo ra ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Về Việt Nam, tôi tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp đem lại tác động xã hội, tham gia vào các NGO (tổ chức phi chính phủ) và dự án hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội bao gồm “social entereprise và inclusive business".
STARTUP LÀ CON ĐƯỜNG TRẢI HOA HỒNG CÓ GAI
Tuy nhiên, cô khá loay hoay để chọn giữa việc kinh doanh cái mình thích hay kinh doanh cái có ý nghĩa gì với mình. Uyên kể với VnEconomy, cô nhớ mãi về đợt thực tập tại Philippines, nơi cô thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh với nhiều ý nghĩa về xã hội, văn hoá, con người và thấy nó chính là thứ cô đang tìm kiếm nhưng chưa thấy ở Việt Nam.
Việt Trang Handicraft là một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “tạo tác động xã hội” còn khá lạ lẫm tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đang đem lại giá trị cho cộng đồng những nghệ nhân đan lát ở một số làng nghề thủ công truyền thống, giúp tăng thu nhập gia đình.
Ngay lập tức, cô gái mạnh mẽ này quyết định sang Anh du học, tập trung vào chuyên ngành Global Entrepreneurship (Doanh nhân Toàn cầu) và chọn trường có dạy về Social Entrepreneurship (Doanh nhân Xã hội). Uyên biết nước Anh là cái nôi của lĩnh vực này, cho nên cô sang Anh để đào sâu nghiên cứu cũng như có thêm thời gian chuẩn bị để trả lời cho câu hỏi “Làm việc gì mà mỗi ngày thức dậy mình có nhiều động lực và thấy ý nghĩa của cuộc sống nhiều hơn".
Tốt nghiệp đại học, Uyên Lê dành 2 tháng để tìm hiểu xem mình sẽ tham gia lĩnh vực nào bằng cách tự vấn bản thân, nghiên cứu thị trường, làm các field research (nghiên cứu thực địa). Kết quả là Uyên nhận thấy lĩnh vực thủ công mỹ nghệ có đầy đủ yếu tố giá trị mà cô tìm kiếm. Thứ nhất, các giá trị kinh tế: thị trường đủ lớn, cả trong nước lẫn xuất khẩu toàn cầu. Thứ hai, các giá trị xã hội bao gồm (1) giá trị văn hoá: sản phẩm mang tính đặc trưng văn hoá Việt Nam, có tính thẩm mỹ và có thể nâng cao hình ảnh sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế; (2) giá trị con người: giúp tăng thu nhập cho các làng nghề, các nghệ nhân, người có thu nhập thấp ở các vùng nông thôn; và (3) giá trị thẩm mỹ: sản phẩm home decor của nước ta rất đẹp.
Do vậy, cô gái trẻ bước vào thị trường thủ công mỹ nghệ xuất khẩu này với một tư duy khác. Việt Trang Handicrafts vẫn còn những mục tiêu nhiều thách thức lớn ở phía trước. Nhưng nhìn lại chặng đường 4 năm qua, Uyên tự tin mình đã góp sức để chinh phục mục tiêu và tầm nhìn “nâng tầm thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường toàn cầu”.
Cũng giống với nhiều bạn trẻ ngày nay, Uyên Lê cũng chơi Facebook. Trong một status đăng ngày 8/4/2021, cô viết: “Mình thích thời gian mình 25 tuổi. Tuổi 25 chung quy một từ là “bão”. Cuộc sống hồi đó xoay quanh hoài bão và giông bão. Được quăng quật trong những “cơn bão” tuổi trẻ là lựa chọn và đặc ân".
Đã có thời điểm, cô quay cuồng trăn trở với vô số câu hỏi. Tự đặt ra và tự tìm lời giải. “Mình có quá tự tin không?” “Mình có mơ mộng quá hay không?” “Nếu đi sai đường thì sao?” “Mình có xuất phát chậm hơn các bạn không”? “
Theo Uyên, startup là con đường trải hoa hồng có gai, đi trên đó cũng “đã" vì chân của mình ngày càng chai để chịu được những va chạm. Uyên học được nhiều bài học, cảm nhận rõ giá trị của “những cái gai”. Trên con đường ấy, cô cố gắng thưởng thức vẻ đẹp của hoa hồng chứ không chăm chăm vào việc tránh gai.
Uyên cũng không cho rằng mình phải đánh đổi hay hy sinh giá trị vật chất khi làm việc trong lĩnh vực này. Rất thẳng thắn, cô cho biết kinh doanh là phải có hiệu quả kinh tế. Mục tiêu lớn mà cô theo đuổi là doanh nghiệp phát triển thì những người đồng hành cùng mình, những đối tác làm với cô cũng phát triển và những giá trị xã hội lúc đó mới được nhân rộng thêm. Giá trị xã hội hiện tại mang hai ý nghĩa, theo cô là: động lực để cô kinh doanh và vượt qua những khó khăn; và là một tiêu chí để cô cân bằng các giá trị, không vì tiền mà đánh đổi mọi thứ.