Chính sách giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội bằng Nghị quyết số 24/2021/QH15 đã phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”.
Sau đó, bằng Quyết định số 90/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Chương trình này. Tính đến năm 2023, chúng ta đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
75 NGHÌN TỶ GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2021-2025
Với những thành quả đã đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo những giai đoạn trước, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 24/2021/QH15 đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới cao hơn, bao trùm hướng tới bền vững hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghị quyết số 24 cũng đề ra các mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Trọng tâm của Chương trình là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã đề ra nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình là: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ở cấp Trung ương và ở địa phương bảo đảm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp giữa 03 Chương trình.
Mặt khác, việc thực hiện Chương trình phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng; phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh;...
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Với Quyết định số 90/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên các mục tiêu giảm nghèo được Quốc hội phê duyệt, thời đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện các dự án, tiểu dự án… nhằm đạt các mục tiêu trên. Quyết định cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện dựa trên nguồn vốn đã được Quốc hội phân bổ theo Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 cũng như vốn ngân sách trung ương các năm 2021, 2022 và 2023.
Hiện Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thành lập để chỉ đạo chung cả ba chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ, thống nhất từ trung ương tới các địa phương.
Nhờ đó, công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông về Chương trình được quan tâm nhiều hơn, việc đổi mới phương thức thực hiện đã tạo nên hiệu ứng tốt về giảm nghèo trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, công tác giám sát đánh giá giảm nghèo qua các dự án, tiểu dự án đã được chú trọng, tăng cường để đạt hiệu quả cao nhất.
Vì thế, trong nửa chặng đường thực hiện Chương trình đã góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo mà Nghị quyết 24 đã đề ra. Theo lãnh đạo Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) người dân đã có ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương…
Về tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, tiến độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cùng các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 90 đều được nắm bắt kịp thời để tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn phải nhắc nhở các cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo giảm nghèo theo chỉ thị 05 của Ban bí thư. Đặc biệt, trong năm 2023 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, kịp thời bố trí vốn đối ứng và huy động nguồn lực xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình.
Mặt khác, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo về thời gian đã nửa chặng đường nhưng thực tế vẫn đang mới bước đầu triển khai thực hiện nên chúng ta vẫn chưa đánh giá hết được chi tiết mục tiêu, kết quả cụ thể thực hiện các dự án, tiểu dự án và chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của chương trình trong các năm 2021 và năm 2022 về: việc làm, y tế, giáo dục đào tạo, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.
Đây cũng là các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khá cao cần đạt được trong nửa giai đoạn mà Quyết định số 90 đã giao.
“Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”
(Trích một trong các chỉ tiêu của Quyết định số 90/QĐ-TTg)