December 02, 2022 | 07:00 GMT+7

Nuôi dưỡng nguồn thu bền vững tại Cảng Nghi Sơn - "gà đẻ trứng vàng" của Thanh Hóa

Thiên Anh -

Cảng biển Nghi Sơn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của khu vực tỉnh Thanh Hóa và vùng phụ cận với kết nối giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không...

Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa
Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và định hướng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Nghi Sơn là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt (IA); đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.

KHU KINH TẾ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG CỦA THANH HÓA

Trong những năm Khu kinh tế và cảng biển Nghi Sơn đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hạ tầng cảng biển ngày càng hoàn thiện.

Đến nay, Cảng Nghi Sơn đã có nhiều khu, bến cảng đi vào hoạt động, gồm: 12 bến cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu có trọng tải lên đến 70.000 DWT; 12 bến cảng chuyên dùng phục vụ hoạt động của các dự án lớn: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Xi măng Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; ngoài ra, khu vực cảng container gồm 10 bến cảng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư.

Một góc Cảng Nghi Sơn
Một góc Cảng Nghi Sơn

Cùng với đó, Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng như hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn.

Kết quả từ năm 2020 đến quý 3/2022, đã có 326 lượt doanh nghiệp, 4.587 lượt phương tiện làm thủ tục xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn, với tổng trọng lượng hàng hóa trên 70 triệu tấn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 19,03 tỷ USD. Số thu nộp ngân sách nhà nước của Cảng Nghi Sơn tăng lũy tiến qua các năm và luôn đạt trên 93% tổng số thu của toàn Cục Hải quan Thanh Hóa

Cụ thể: năm 2020 đạt 10.195 tỷ đồng; năm 2021 đạt 11.181 tỷ đồng và 11 tháng năm 2022 đã đạt xấp xỉ 16.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng mặt hàng dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng thu nộp ngân sách từ 2020 đến nay đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, chiếm 83% tổng số thu của hàng hóa qua cảng Nghi Sơn trong cùng giai đoạn; số thu còn lại chủ yếu từ nguồn nhập khẩu máy móc, thiết bị để tạo tài sản cố định cho dự án đầu tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm... của một số doanh nghiệp lớn trong Khu kinh tế Nghi Sơn như: Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, Công ty Dầu thực vật Miền Bắc Việt Nam, Công ty cổ phần Xi măng Đại Dương…

Bên cạnh đó, Cảng Nghi Sơn cũng đã thu hút được hãng tàu CMA-CGM (là hãng tàu vận tải container lớn thứ 3 thế giới) khai thác tuyến vận chuyển container quốc tế với tổng cộng 91 chuyến tàu cập cảng; đã thực hiện hỗ trợ cho đơn vị 86 chuyến với kinh phí 17,2 tỷ đồng và 1.545 container cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng.

Việc thu hút được hãng tàu nước ngoài vào hoạt động xuất nhập khẩu đã tạo nên diện mạo mới và quảng bá hình ảnh cho Cảng Nghi Sơn, góp phần thu hút được nhiều hãng tàu, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu để đầu tư, khai thác phát triển cảng.

Tuy nhiên, việc phát triển Cảng biển Nghi Sơn và dịch vụ logistics vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, như: kết cấu hạ tầng cảng biển và hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho cảng biển phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ, năng lực xếp dỡ còn thấp làm hạn chế khả năng khai thác.

Hiện chưa có trung tâm logistics lớn hoạt động và các dịch vụ liên quan đến logistics chưa hỗ trợ được nhiều cho chủ hàng, còn thiếu vỏ container, trong khi chi phí dịch vụ lại khá cao, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao.

Khả năng thu hút hàng container còn hạn chế, mới chỉ có 01 hãng tàu mở tuyến vận chuyển bằng container đi quốc tế qua cảng, các doanh nghiệp logistics hoạt động tại cảng biển Nghi Sơn chủ yếu mới chỉ giao nhận vận tải, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.

Cảng nước sâu Nghi Sơn
Cảng nước sâu Nghi Sơn

Với quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn, HĐND tỉnh đã nâng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container với mức 300 triệu đồng/chuyến; các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được nâng mức hỗ trợ cao nhất lên đến 3 triệu đồng/container.

NUÔI DƯỠNG NGUỒN THU BỀN VỮNG

Ông Lê Xuân Huế, Cục trưởng Cục Hải quan Thanh Hóa, cho biết hiện đơn vị tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn, đó là:

Thứ nhất, Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành và vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm; nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa và trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Nghi Sơn
Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Nghi Sơn

Thứ hai: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính rà soát đơn giản hóa quy trình, cập nhật các thủ tục hành chính công khai trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm minh bạch rõ ràng, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan và thông quan nhanh đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tăng cường nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ công chức Hải quan.

Thứ ba: Tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch vận động, thu hút doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn. Chủ động tuyên truyền, thông tin chính sách pháp luật về hải quan, các chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn, công khai minh bạch thủ tục hành chính do Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị trực thuộc thực hiện.

Thứ tư, Tiếp tục bám sát và nắm chắc các tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại trên địa bàn trinh và Khu kinh tế Nghi Sơn như Dự án dây chuyền 4 - xi măng Long Sơn; Xi măng Đại Dương, Luyện cán thép Nghi Sơn giai đoạn 2, Nhà máy hóa chất Đức Giang, Trung tâm logistics Bắc Trung Bộ và hạ tầng Khu công nghiệp số 6 - Khu kinh tế Nghi Sơn...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate