July 12, 2016 | 14:39 GMT+7

“Ồ ạt nhập khẩu, Việt Nam sẽ tràn ngập bãi xe như thập niên trước”

Kiều Châu

Nếu Thông tư 20 được bãi bỏ, Thaco cho rằng sản xuất kinh doanh ôtô trong nước sẽ trở lại giai đoạn trước năm 2011

Ông Trần Bá Dương.
Ông Trần Bá Dương.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương vừa ký văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm về quy định nhập khẩu xe ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống.

Cụ thể, các nhà nhập khẩu ôtô muốn hoạt động kinh doanh hợp pháp nhất thiết phải có hai loại giấy tờ. Một là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Tuy nhiên, Thông tư này đã chính thức hết hiệu lực từ ngày 1/7 và hiện chưa có văn bản nào thay thế. Bộ Công Thương hiện đang đề xuất Chính phủ bỏ quy định cần có giấy chứng nhận ủy quyền nhà sản xuất. Theo đó, việc nhập khẩu ôtô vào Việt Nam sẽ được cởi trói, tức tất cả các doanh nghiệp đều có quyền nhập xe, số lượng nhập khẩu tăng lên.

Cùng với việc tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1/7 mới đây, số tiền thu vào ngân sách sẽ tăng mạnh.

Các doanh nghiệp vốn là các nhà nhập khẩu chính hãng lo lắng vì mất quyền lợi thì doanh nghiệp trong nước cũng ngổn ngang khi những kế hoạch sản xuất ôtô sẽ đổ bể nếu như xe nhập khẩu ồ ạt được nhập về Việt Nam, lãnh đạo Thaco cho biết.

Thaco cho rằng trước khi Thông tư 20 có hiệu lực (tháng 5/2011), tất cả các doanh nghiệp có quy mô lớn hay nhỏ đều được tự do nhập khẩu xe, do vậy nhiều doanh nghiệp đã sang các nước ngoài mua xe từ các cửa hàng mà không có xuất xứ, loại xe dùng cho thị trường nào, đạt tiêu chuẩn gì.

Giai đoạn 2007 - 2011, ở Việt Nam tràn ngập các bãi xe và các cửa hàng ôtô lớn, nhỏ. Đỉnh điểm năm 2009, Việt Nam nhập khẩu hơn 100.000 xe gây nhập siêu lớn và góp phần khủng hoảng kinh tế đất nước năm 2011 - 2013.

Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu không quan tâm đầu tư xưởng dịch vụ bảo hành, sửa chữa, các phụ tùng thay thế thiếu thốn…gây lãng phí trong việc sử dụng xe rất lớn.

Sau khi Thông tư có hiệu lực việc sản xuất kinh doanh ôtô đã đi vào ổn định, nhập khẩu ôtô từ chính hãng có tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam, số lượng cung cầu đạt được kiểm soát. Các dịch vụ sau bán hàng được cải thiện. Đặc biệt, triệu hồi xe bị lỗi của nhà sản xuất được chú trọng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Vì vậy, nếu Thông tư 20 được bãi bỏ, Thaco cho rằng sản xuất kinh doanh ôtô trong nước sẽ trở lại giai đoạn trước năm 2011. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ sẽ ồ ạt tham gia thị trường, mua từ các cửa hàng bán lẻ, giá đăt, không phù hợp với thời tiết nóng ở Việt Nam. Kiểm soát chất lượng xe sẽ khó khăn.

Hơn nữa, các doanh nghiêp nhỏ nhập khẩu không chính ngạch phải mua giá cao, chi phí lớn nên khai giá trị hợp đồng thấp hơn giá mua thật để trốn thuế và số tiền chênh lệch phải chuyển ngân lậu dẫn đến bấy ổn ngoại tệ.

Các doanh nghiệp sẽ tham gia nhập khẩu ồ ạt, nguy cơ tồn kho, nhập siêu và có thể phải bán lỗ do không kiểm soát được cung cầu gây thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tạo ra sự bất ổn cho thị trường ôtô, với các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư lớn vào ngành sản xuất ô của Việt Nam sẽ bị rủi ro.

“Chúng tôi thấy rất bất an vì đang xúc tiến với các đối tác lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản để đầu tư sản xuất ôtô theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp này đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã đề ra trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2015, và các hiệp định FTA đến năm 2028”, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương nói và đề nghị Chính phủ phải có biện pháp can thiệp để lành mạnh hóa thị trường ôtô và cần tạo diễn đàn mở để các doanh nghiệp được nêu ý kiến.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate