June 01, 2022 | 11:44 GMT+7

Ô tô của bạn có thể bị đột nhập bằng key fob của xe khác?

Bảo Bình

Những ngày đầu tiên, khi công nghệ còn thô sơ, tất cả key fob từ xa đều gửi ra một tín hiệu giống nhau. Điều này có nghĩa là chỉ cần sở hữu một chiếc key fob, bạn có thể mở rất nhiều cánh cửa, bất cứ nơi nào bạn muốn.

Ô tô của bạn có thể bị đột nhập bằng key fob của xe khác? - Ảnh 1

Nếu bạn là chủ sở hữu của một trong hàng tỷ chiếc ô tô trên thế giới, chỉ cần nghĩ ai đó đột nhập vào ô tô của bạn cũng đã là một cơn ác mộng. Nhưng đừng lo, bởi vì sự thật là trừ khi bạn là kẻ gian có đủ các loại thiết bị chặn mã tinh vi, còn không một người bình thường sẽ không thể mở khóa ô tô của bạn bằng điều khiển từ xa của họ.

Thiết bị cầm tay mà bạn sử dụng để mở xe, còn được gọi là key fob, đã phát triển rất mạnh kể từ những năm 1950 khi công nghệ điều khiển từ xa lần đầu tiên được sử dụng để mở cửa gara để xe. Quay trở lại những ngày đó, khoa học còn rất thô sơ và tất cả key fob từ xa đều gửi ra một tín hiệu giống nhau. Điều này có nghĩa là chỉ cần sở hữu một chiếc key fob, bạn có thể mở rất nhiều cánh cửa, bất cứ nơi nào bạn muốn.

Tuy nhiên, khi nói đến ô tô, hệ thống mở cửa từ xa đã phát triển hơn một chút. Các nhà sản xuất đã nghĩ ra một hệ thống, trong đó mỗi chiếc xe có một mã riêng và không thể sử dụng chung với bất kỳ chiếc xe nào khác. Mặc dù đây là một cải tiến đáng kể về mặt an toàn so với các phiên bản tiền nhiệm, nhưng vẫn còn một vấn đề an ninh lớn mà các chủ sở hữu xe hơi phải đối mặt. Các mã không đa dạng nên dễ bị tin tặc đánh cắp và sử dụng để mở khóa xe của bạn trong vài phút. Rất may, thời thế đã thay đổi, các nhà sản xuất đã nghĩ ra những cách tốt hơn để bảo vệ an toàn cho từng chiếc xe.

Key fob ứng dụng công nghệ mã nhảy rolling code

Từ giữa những năm 1990, các nhà sản xuất ô tô đã sử dụng công nghệ mã rolling code, còn được gọi là hopping code trong hệ thống khóa cửa không cần chìa. Công nghệ mã này đã thay thế những mã đơn lẻ đã được sử dụng trước đó và khiến tội phạm khó lấy trộm xe hơn. Bởi vì, công nghệ rolling code này hoạt động bằng cách đồng bộ hóa bộ phát được tìm thấy bên trong điều khiển từ xa của bạn, với một chip điều khiển nằm trong bộ thu trong ô tô của bạn. Bằng cách phối hợp với nhau, chúng có thể tạo ra các mã ngẫu nhiên mới mỗi khi bạn khóa hoặc mở khóa ô tô của mình. Về cơ bản, có thể hiểu công nghệ rolling code là cứ mỗi lần bấm điều khiển thì thuật toán sẽ tạo ra một mã khác nhau và không trùng nhau. Điều này có nghĩa là có thể có hàng tỷ hoặc thậm chí hàng nghìn tỷ khả năng mã tiếp theo sẽ là gì.

Ô tô của bạn có thể bị đột nhập bằng key fob của xe khác? - Ảnh 2

Với công nghệ mã hóa này, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về chiếc xe của mình. Ngoài ra, công nghệ cũng sẽ ngăn chặn những tên trộm sử dụng các thiết bị lấy mã lén lút có thể đánh chặn và sao chép tín hiệu từ điều khiển từ xa để chúng đột nhập vào xe của bạn.

Chủ động bảo vệ xe khỏi bọn trộm

Tuy vậy, rolling code không hoàn toàn chống được lừa đảo, và bạn nên hết sức cảnh giác nếu sở hữu ô tô - đặc biệt nếu bạn có một chiếc ô tô không có chìa khóa. “Tin tặc và tội phạm ngày càng tinh vi hơn”, theo Doug Shuppe đến từ Hiệp hội Ô tô Mỹ. Ông đã giải thích rằng có những thiết bị hack mới có thể khuếch đại tín hiệu của máy phát và giúp chúng đột nhập vào xe của bạn dễ dàng hơn bao giờ hết.

Vì vậy, bạn có thể làm gì để bảo vệ mình? Trang Slashgear đã giới thiệu một công cụ có thêm bổ sung sự an toàn cho chủ xe, đó là túi Faraday. Loại túi được cho là rất hiệu quả do lớp lót bằng lá đồng của nó hoạt động rất tích cực trong việc chặn tất cả các tín hiệu fob. Nó giống như khi điện thoại của bạn chuyển sang chế độ trên máy bay và không thể phát ra bất kỳ tín hiệu nào. Bạn cũng có thể cho fob vào hộp kim loại hoặc hộp thiếc nếu ở nhà. Một mẹo khác thiết thực hơn là đừng để những vật dụng có giá trị trong xe để không lôi kéo tội phạm ngay từ đầu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate