Cách đây tròn 30 năm, Alain Jeannet, một nhà báo chuyên viết về kinh tế, đã bắt đầu cuộc "phiêu lưu" nghề nghiệp của mình bằng việc làm Trưởng đại diện tại Việt Nam của Tập đoàn báo chí Thụy Sĩ - Ringier trong dự án hợp tác về in ấn, phát hành với Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Khi trở về Thụy sỹ, nhà báo Alain Jeannet đã đảm nhiệm chức Tổng biên tập Tạp chí PME (Tạp chí Doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Tập đoàn Ringier và ông vẫn không ngừng viết bài bình luận, phân tích về kinh tế Thụy Sĩ và thế giới.
Trong chuyến trở lại Việt Nam vào đầu tháng 6 để dự lễ kỷ niệm 30 năm phát hành số 1 Thời báo Kinh tế Việt Nam (sản phẩm hợp tác) cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy - Vietnam Economic Times, với đam mê nghề nghiệp, với sự tò mò của nhà báo kinh tế về hiện tượng Vinfast, ông đã dành cả một ngày xuống thăm Nhà máy Vinfast ở Hải Phòng và đã có bài viết dành riêng cho VnEconomy. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết!
DẤU ẤN TRÊN CON ĐƯỜNG CẤT CÁNH CÔNG NGHIỆP PHI THƯỜNG CỦA VIỆT NAM
Chúng ta thường nói về Việt Nam như một lựa chọn thay thế thú vị cho Trung Quốc: lương thấp hơn 2-3 lần, lực lượng lao động được đào tạo bài bản... Nhưng trong các nhà máy của công ty VinFast, lực lượng lao động chính lại là 12.000 robot của các công ty Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ… Bởi, để sản xuất ô tô điện có khả năng cạnh tranh với Tesla, Hyundai và Volkswagen, cần phải đảm bảo một chất lượng không tì vết. Và chỉ có máy móc mới làm được điều đó.
Chúng tôi đã không nghĩ rằng ở đây có nhiều công nghệ như vậy. Được xây dựng trong thời gian kỷ lục giữa cánh đồng lúa gần cảng Hải Phòng, cụm công nghiệp mới với diện tích 335 ha và nhắm mục tiêu cuối cùng là sản xuất khoảng 950.000 ô tô mỗi năm, mà chỉ duy nhất ô tô điện, từ SUV cao cấp đến xe mini smart nhỏ xinh với giá bán dự kiến 10.000 - 12.000 USD ...
Ghé thăm nhà máy cực kỳ hiện đại của Tập đoàn VinFast đầu mùa hè năm nay với sản lượng khoảng 4.000 chiếc mỗi tháng. Thị trường trong nước vẫn là nơi tiêu thụ chính trong thời điểm hiện tại, với tỷ lệ 23 ô tô trên 1.000 dân.
Trên đường phố hỗn loạn của Hà Nội và Sài Gòn, những chiếc taxi màu xanh lá cây của công ty thuộc VinFast là một cách quảng cáo tốt nhất cho một thương hiệu đã thể hiện mình là một nhà tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Nhưng không chỉ vậy, vượt ra ngoài biên giới, tại Hoa Kỳ và Châu Âu, VinFast tham vọng khẳng định chính mình để tận dụng sự bùng nổ toàn cầu về phương tiện di chuyển bằng điện.
Vào cuối tháng 6, một đoàn nghị sĩ Thụy Sĩ cũng đã đến thăm nhà máy VinFast trong khuôn khổ chuyến công du đến Việt Nam và Singapore. Đây là dịp để ghi nhận sự cất cánh công nghiệp phi thường của Việt Nam và để khôi phục động lực cho các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã được khởi xướng vài năm trước.
Đặt cược vào sản xuất ô tô là một phi vụ táo bạo của VinGroup. Nó cho thấy khát vọng của một đất nước hiện không chỉ được định vị là một trong những nhà sản xuất giày thể thao và áo phông hàng đầu thế giới, mà còn là một tay chơi công nghệ đáng nể.
Việt Nam là nơi toạ lạc của nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của Samsung, với khoảng 60.000 nhân viên. Việt Nam cũng là nơi Intel, Qualcom đặt làm “cứ điểm” để sản xuất các con chip hiện đại nhất thế giới. Elca, một công ty công nghệ thông tin lớn có trụ sở tại Lausanne (Thuỵ Sĩ), cũng đã hoạt động trong một thời gian dài.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển năng lượng mặt trời nhanh nhất trong những năm gần đây. Năng lượng mặt trời hiện chiếm 11% trong cơ cấu năng lượng quốc gia và góp phần làm giảm tầm quan trọng của năng lượng than đá (hiện vẫn chiếm 50% sản lượng điện). Nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng gần 8% vào năm ngoái, cao nhất trong tất cả các nước châu Á.
Nhưng, thế là quá đủ với các số liệu thống kê rồi. Chúng ta biết việc thâm nhập vào thị trường ô tô khó khăn như thế nào. Và ngay cả khi cuộc cách mạng điện tử trong lĩnh vực này đang dẫn đến sự phân phối lại rộng rãi các lá bài của cuộc chơi, thì các đối thủ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc... vẫn đã đi trước một vài bước. Vậy, cơ hội thành công của người chơi mới là gì?
Trong vòng chưa đầy hai năm, VinFast đã phát triển 5 mẫu xe khác nhau bằng cách sử dụng các nhà cung cấp linh kiện tốt nhất và huy động các chuyên gia tiên tiến nhất trong lĩnh vực này, gồm 40 quốc tịch khác nhau.
“Chúng ta cần phải sáng tạo lại cách phát triển và sản xuất ô tô,” Benjamin Stewart, một cựu nhân viên người Úc của General Motors, nói một cách hào hứng.
Với những ưu điểm gì? “Đó không chỉ là hiện thực hóa tầm nhìn của Phạm Nhật Vượng, ông chủ và người sáng lập VinGroup, mà là của cả một quốc gia", Benjamin Stewart nói và cho rằng sức mạnh Việt 150% đứng sau sự phát triển của VinFast. Do đó, sự phát triển của VinFast thực sự là một câu chuyện về niềm tự hào dân tộc.
NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU TỶ USD
Câu chuyện của cá nhân ông Phạm Nhật Vượng cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Sinh năm 1968 tại Hà Nội, nhà toán học này đã học địa chất tại Moscow trước khi chuyển đến Kharkiv, Ukraine, nơi ông mở một nhà hàng Việt Nam và sau đó là một nhà máy mì và súp ăn liền, mà sau này đã được bán cho Nestlé với giá 150 triệu đô la.
Với số tiền này, trở về nước, Phạm Nhật Vượng đã xây dựng tập đoàn tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thương mại bán lẻ, y tế, điện tử, giải trí, du lịch. Đó chính là VinGroup. Và nếu tài sản của ông giảm một nửa kể từ năm 2021, theo tạp chí Forbes, với 4,4 tỷ USD, Phạm Nhật Vượng vẫn luôn giữ vị trí là người giàu nhất Việt Nam.
Ở ngoại ô thủ đô, toạ lạc những khu đô thị mới Ocean Park 1 và Ocean Park 2, đó chính là VinGroup. Ngay tại đó, VinUni, cơ sở đào tạo tư thục đắt giá nhất cả nước, đó cũng chính là VinGroup.
Vingroup còn có rất nhiều những tòa tháp và khách sạn lớn trên khắp cả nước. Chúng ta có thể tiếp tục kéo dài danh sách các hoạt động mà có thể đảm bảo cho VinGroup một lực kéo tài chính cần thiết để thâm nhập vào một lĩnh vực đặc biệt thâm dụng vốn, đó chính là sản xuất ô tô.
Kể từ năm 2017 đến nay, Phạm Nhật Vượng đã đầu tư hơn 8 tỷ USD vào cuộc phiêu lưu này. Gần đây, vị tỷ phú Việt Nam đã thông báo sẽ bỏ ra một tỷ USD từ tiền túi của mình trong số tiền 2,5 tỷ USD dành cho việc xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Bắc Carolina.
“Ông chủ VinGroup có tài chính kếch xù. Và rất nhiều, rất nhiều sự can đảm”, một nhà quan sát có nhiều hiểu biết về VinGroup, cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam và sắp tới là New York, hào hứng nhận xét. Một nét tính cách điển hình của người Việt Nam.
Ưu tiên tấn công vào thị trường Mỹ, VinFast không chọn con đường dễ dàng. Nhưng, người thành công ở Mỹ sẽ thành công ở mọi nơi trên thế giới, đó chính là một sự tính toán của VinFast. Tại California, thương hiệu Việt đã phải triệu hồi xe. “Nhưng tin tốt là,” kỹ sư Benjamin Stuart nói, “đó chỉ là những lỗi phần mềm. Không có phần cứng nào với các vấn đề về xử lý và an toàn được ghi nhận”.
Ở châu Âu, VinFast bắt đầu hành trình của mình từ Pháp, Đức và Hà Lan và đã bàn giao những đơn hàng đầu tiên vào tháng 9. Được thiết kế bởi Pininfarina và bán lần lượt với giá 99.590 euro và 59.390 euro, các mẫu xe cao cấp VF9 và VF8 gây ấn tượng mạnh.
Không phải là một chuyên gia, tác giả của những dòng này, người đã lái thử hai mẫu xe tại Hải Phòng, có thể chứng thực điều này: động cơ, hệ thống điều khiển và thiết bị của những chiếc xe này đều tương đồng với vẻ ngoài của chúng. Tuy nhiên, sẽ rất khó để xác minh xem phạm vi quãng đường tối đa nhà sản xuất công bố (lên đến 594 km) có phải là thật hay không.
Nhưng, một điều chắc chắn là, quỹ đạo của VinFast, cũng như của nền kinh tế Việt Nam nói chung, sẽ không phải là một đường thẳng. Việt Nam đã quản lý tốt đại dịch và đã tận dụng lợi thế của việc đóng cửa của Trung Quốc. Một lợi thế đang mờ dần.
Tuy nhiên, với 100 triệu dân, với truyền thống cần cù, dũng cảm, với một nền chính trị ổn định, Việt Nam thực sự hội tụ tất cả những gì có thể để phát triển nền kinh tế.
Cuộc phiêu lưu của VinFast và những chiếc SUV có thân hình trang nhã là có giá trị thử nghiệm. Và những gì đã đạt được cho đến nay là rất ấn tượng.
Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập tốt hơn
Ngoài Hiệp định thương mại tự do đã được thảo luận trong nhiều năm, phái đoàn nghị viện do Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ, ông Martin Candinas, dẫn đầu sẽ thảo luận ở cấp cao nhất về quan hệ kinh tế song phương giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Đặc biệt là chương trình hỗ trợ của Ban Thư ký Nhà nước Thuỵ Sĩ về vấn đề kinh tế (SECO) để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hội nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị.
Một chương trình trị giá 70 triệu franc trong bốn năm, đặc biệt bao gồm hỗ trợ đào tạo các giám đốc điều hành ngân hàng. Các công ty Thụy Sĩ đang hoạt động rất tích cực tại Việt Nam, nhưng sự hiện diện không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Các dây chuyền sản xuất của VinFast chính xác là minh họa rõ nét cho sự hiện diện này với máy ép Bühler và Sika và dây chuyền robot của ABB.