June 02, 2023 | 12:00 GMT+7

Ô tô sản xuất trong nước sắp được giảm 50% phí trước bạ

Hoàng Lâm

Liên quan đến mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 97/TTr-BTC ngày 31/5/2023 về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản trả lời liên quan đến vấn đề này.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (Nghị định) theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 30/5/2023, trình Chính phủ trước ngày 15/6/2023. Đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định như kiến nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 97/TTr-BTC nêu trên.

Trước đó, ngày 31/5, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 97/TTr-BTC gửi Thường trực Chính phủ về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đã báo cáo trước đó.

Trường hợp Thường trực Chính phủ quyết định thực hiện, thì Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (để thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.   

Doanh nghiệp ngành ô tô mong mỏi chờ cơ chế

Ô tô sản xuất trong nước sắp được giảm 50% phí trước bạ - Ảnh 1

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 4/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3/2023 trước đó và giảm 47% so với tháng 3/2022Trong đó, doanh số bán ra của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng 3/2023. 

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 (lắp ráp trong nước giảm 39%; nhập khẩu giảm 16%).

VAMA đánh giá doanh số ô tô tiếp đà giảm sút trong các tháng đầu năm 2023 là tín hiệu đáng lo ngại với nhiều doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, một số địa phương có thể bị hụt thu ngân sách, lao động mất việc làm.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Hải quan, tháng 3/2023, cả nước nhập khẩu 15.228 ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch đạt 355,4 triệu USD, tăng 23,2% về lượng, tăng 36,8% về kim ngạch so với tháng trước. Tính chung cả quý 1, cả nước nhập khẩu 42.002 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 925,5 triệu USD, tăng 76,9% về lượng và tăng 64,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước sang tháng tháng 4/2023, cả nước nhập khẩu 12.323 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 288 triệu USD. Nửa đầu tháng 5, lượng ô tô nguyên chiếc tiếp tục giảm nhanh, cả nước chỉ nhập khẩu 3.257 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch 88 triệu USD.

Trước tình hình tiêu thụ ô tô trong nước liên tục sụt giảm, các hiệp hội sản xuất ô tô, cơ khí, địa phương vừa qua đã đồng loạt có kiến nghị lên Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cùng các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn cũng đã kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong đơn kiến nghị vừa được gửi các bộ ngành, VAMA chỉ ra từ cuối quý 4/2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp. Tình hình dự báo còn khó khăn, nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được đã gây áp lực lên thanh khoản của doanh nghiệp, chi phí tài chính tăng cao. Dẫn chứng là doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1/2023 giảm tới 60% so với tháng trước và 54% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, VAMI cho biết khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi thì nguy cơ suy thoái ngày càng hiện hữu, làm ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng, xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao.

Các hiệp hội cho rằng để giải quyết tình hình hiện tại thì việc giãn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh ảm đạm. Hai chính sách kích cầu này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.

Đặc biệt, theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), với tình hình hiện tại,  từ nay đến cuối năm thị trường sẽ vẫn tiếp tục đi xuống dù các hãng xe, đại lý có nhiều chương trình giảm giá, kích cầu.

Quan điểm trái chiều từ các Bộ

Ô tô sản xuất trong nước sắp được giảm 50% phí trước bạ - Ảnh 2

Bộ Tài chính cho rằng hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là chưa phù hợp. Đây là quan điểm của Bộ Tài chính trước các đề xuất của các hiệp hội, địa phương về việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.  

Theo Bộ Tài chính, từ tháng 12/2019, dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất, kinh doanh trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bộ Tài chính nhận định việc điều chỉnh giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung… Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với các nước, trong đó đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư.

Chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, chính sách này được nhiều chuyên gia cho rằng không thể “lạm dụng” vì có khả năng ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bộ Tài chính lý giải rằng với trường hợp cần thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước từ LPTB, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là trong điều kiện đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100% số thu theo Luật Ngân sách nhà nước.

Khi xây dựng Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, tại báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp đã chỉ ra việc quy định giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ là “tạm thời”, nhưng có thể coi là phân biệt đối xử về thuế giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát các cam kết quốc tế, từ đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Trên cơ sở đó, khi trình Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nếu áp dụng chính sách này thì chỉ coi đây là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Ở một diễn biến khác, đại diện 12 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ ô tô năm 2023. Liên quan đến chính sách này, các doanh nghiệp thành viên VIVA (gồm Audi, Bentley, Ferrari, Jaguar & Land Rover, Maserati, Morgan & Brabus, Porsch, Subaru, Volkswagen và Volvo) cho rằng, doanh số bán xe của cả sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc đều chịu áp lực nghiêm trọng.

Trước tình hình hiện tại, Bộ Tài chính đã đề nghị chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho.

Theo Bộ Công Thương, trong các năm 2020 và 2022, trước sự sụt giảm của thị trường ô tô do tác động của đại dịch COVID-19, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 50% mức thu thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thông qua việc ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020) và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022).  

Các chính sách trên được ban hành kịp thời đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phục hồi sản xuất, từng bước mở rộng quy mô đầu tư, nội địa hóa sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch gây nên.

Tuy nhiên, bước vào đầu năm 2023, trong khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch thì nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu đang gây nhiều tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước. “Bên cạnh đó, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng... làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao” - văn bản Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương cũng đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, các tỉnh Quảng Nam và Ninh Bình về việc ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ cho khách hàng, cũng như giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì nguồn thu ngân sách.

Trước thực tế thị trường ô tô giảm sút mạnh, cơ quan này cho biết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ kích cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate