Trước ngày thứ Tư tuần này, Nhà Trắng sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ cho phép sử dụng bộ binh cho cuộc chiến tổ chức phiến quân tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), hãng tin Reuters cho biết.
Mỹ hiện đang dẫn đầu một liên minh quốc tế chống IS, và vào tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã cho mở một cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS ở Iraq và Syria. IS là nhóm khủng bố đã giết hại hàng nghìn người vô tội và chiếm giữ những khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria. Nhóm này đã khiến cả thế giới phẫn nộ khi hành quyết một loạt con tin bằng những thủ đoạn tàn độc trong mấy tháng qua.
Trong chiến dịch chống IS đã kéo dài 6 tháng, chính quyền Obama chưa lần nào xin Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc sử dụng bộ binh. Điều này khiến một số thành viên trong Quốc hội Mỹ lo ngại rằng, có thể đó là do chiến dịch vượt quá quyền hạn của Tổng thống theo quy định trong Hiến pháp. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, các nghị sỹ nên xem xét một vấn đề quan trọng như điều bộ binh cho chiến dịch nhằm vào IS.
Về phần mình, chính quyền Obama khẳng định chiến dịch chống IS là hợp pháp, dựa trên thẩm quyền đã được thông qua dưới thời Tổng thống George W. Bush vào năm 2002 trong cuộc chiến tranh ở Iraq và vào năm 2001 cho cuộc chiến chống al Qaeda và các nhánh của tổ chức khủng bố này.
Tuần trước, bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe Dân chủ thuộc Hạ viện, nói với báo giới rằng, Nhà Trắng sẽ đề nghị được Quốc hội trao thẩm quyền điều bộ binh đánh IS trong 3 năm. Bà Pelosi cho hay, hiện chưa có quyết định nào được đưa ra về phạm vi địa lý hay các giới hạn đối với lực lượng bộ binh có thể được sử dụng cho chiến dịch.
Đây được dự báo sẽ là một vấn đề lớn và phức tạp trong cuộc tranh luận ở Quốc hội. Nhiều nghị sỹ Dân chủ muốn ngăn cản việc điều bộ binh, trong khi không ít nghị sỹ Cộng hòa cho rằng sẽ là không phù hợp nếu hạn chế số chỉ huy ra mặt trận.
Nghị sỹ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng, một khi đề xuất điều bộ binh được Nhà trắng đưa lên, các phiên điều trần sẽ nhanh chóng được tổ chức. Theo ông Corker, chính quyền Obama đã có sự tham vấn chặt chẽ với các nghị sỹ trước khi đưa ra đề xuất chính thức nhằm rút ngắn quy trình thông qua đề xuất này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate