Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, ông Alexander BÖHMER cho biết OECD có 38 thành viên trên toàn cầu. Đông Nam Á (Asean) là khu vực có sự phát triển năng động, có tầm ảnh hưởng lớn, trọng tâm của báo cáo của OECD đã đưa ra những dự báo tăng trưởng của khu vực này, trong đó ASEAN có mức tăng trưởng đạt 5,6% trong năm 2022. Dự báo mức tăng trưởng chung của ASEAN đạt 4,2% vào năm 2023 và tăng lên 4,7% vào năm 2024.
OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay gặp khó khăn nên hạ xuống 4,9% và 5,9% vào năm 2024.
Tuy nhiên, OECD đánh giá tốc độ phát triển kinh tế xã hội tích cực năm của Việt Nam đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.
Theo OECD, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam. Điều quan trọng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động, ông Alexander BÖHMER nhấn mạnh.
"Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam và thế giới sẽ là hình chữ U và đáy rất dài. Đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên chúng ta vẫn có cơ hội trong chuyển dịch các chuỗi cung ứng".
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Đồng quan điểm với đại diện OECD, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng trong 30 năm qua, việc phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động đã đưa Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang tập trung vào 2 yếu tố trên và coi đây là động lực tăng trưởng cho sự phát triển. Vì vậy, nâng cấp doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động chính là mệnh lệnh cho việc đổi mới.
Hiện nay, cả nước có 900 nghìn doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh, tức là khoảng 6 triệu chủ thể kinh doanh.
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng số lượng doanh nghiệp không ít, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp của nước ta không cao, chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động đang tụt hậu và chưa đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Thời gian tới, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam đề xuất giải pháp Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đối tác công tư, hoàn thiện Luật Phát triển công nghiêp trình Quốc hội trong thời gian tới; cần có Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.
Về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là các dự án có tiềm năng lớn, đầu tư vào lĩnh vực này mở đường cho các dòng đầu tư mới vào Việt Nam, sẽ là mũi tên trúng được nhiều đích, kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng đảm bảo chất lượng hơn.
Đối với khu vực tư nhân, TS. Vũ Tiến Lộc nhận thấy, cải cách thể chế trong khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, qua đó, khơi dậy nguồn lực phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo OECD, Việt Nam đã ghi nhận tỷ lệ nghèo giảm đáng kể trong ba thập kỷ qua, từ 80% năm 1992 xuống còn 7% ngay trước cuộc khủng hoảng COVID-19. GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của OECD đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua, đạt gần 25%.
Tuy nhiên, trong những năm tới, dân số già đi nhanh chóng sẽ bắt đầu gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và tài chính công, đặc biệt khi Việt Nam cần mở rộng phạm vi bao phủ lương hưu công. Để tiếp tục nâng cao mức sống, cần phải tăng nguồn thu thuế để tài trợ cho nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, bao gồm phạm vi bảo trợ xã hội lớn hơn, đồng thời thúc đẩy năng suất lao động và tính năng động kinh doanh cũng như giảm tình trạng phi chính thức của thị trường lao động.