Sự trỗi dậy của dòng vốn nội quá mạnh mẽ vào kéo dài liên tiếp đã trở thành sự kiện "cũ rích" đối với giới đầu tư chứng khoán, và áp lực bán ròng của khối ngoại suốt từ năm 2020 đến nay cũng tương tự như vậy. Tính chung 10 tháng, toàn bộ 3 sàn giao dịch, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài lên tới trên 48 ngàn tỷ đồng. Mức bán ròng kỷ lục chưa từng có của khối ngoại trên trường chứng khoán Việt Nam.
Dẫu vậy thì sự quay trở lại của dòng vốn ngoại vẫn là tâm điểm của thị trường chứng khoán và tiền của nhà đầu tư ngoại vẫn là mục tiêu để chứng khoán thu hút đầu tư, vừa giúp giảm áp lực nguồn vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế vừa quốc tế hoá thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bình luận về dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Talkshow Phố Tài chính ngày 22/11, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội trên thế giới, tuy nhiên Việt Nam vẫn là cơ hội tốt khi môi trường lãi suất thấp, và nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt hoặc có còn tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
"Hy vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường MSCI FM( Frontier Markets) đi vào thị trường MSCI (Emerging Markets). Khi vào thị trường Emerging Markets thì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng ít nhất 100 lần so với quy mô hiện nay”, vị này nhấn mạnh.
Cũng theo ông Andy Ho, trong thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước, Bộ trưởng đánh giá cao về những thành quả của ngành chứng khoán đã đạt được trong 25 năm qua, đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam an toàn, bền vững, khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế, tiếp tục góp phần hoàn thiện hệ thống tài chính hiện đại và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Cùng bình luận về xu hướng bán ròng của khối ngoại, tại chương trình trước đó, ông Phạm Quang Huy, Giám đốc trung tâm kinh doanh khách hàng cao cấp, Công ty CK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có rút vốn ra khỏi Việt Nam nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy hoạt động bán ròng của phần lớn là để tái cơ cấu danh mục, bên cạnh đó việc nhiều cổ phiếu lớn tăng trong khi quy mô Quỹ ngoại chưa tăng lên thì việc bán ròng cũng có thể coi là hình thức chốt lời duy trì quy mô của Quỹ.
Ví dụ quỹ mô quỹ ETF xấp xỉ 500 triệu USD nhưng do nhiều cổ phiếu trong danh mục quỹ vẫn tăng giá khiến quy mô quỹ tăng lên, và việc bán bớt để duy trì trạng thái cũng là một trong những nguyên nhân khối ngoại bán ròng thời gian vừa qua.
Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới mã số giao dịch chứng khoán và mở mới tài khoản giao dịch tăng đều qua các tháng. Cụ thể, tổng số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trong 10 tháng vừa qua là gần 3.500 tài khoản, bằng hơn 80% của năm 2020.
Còn số liệu thống kê từ Trung tâm lưu ý chứng khoán Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 10/2021, số tài khoản Nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường chứng khoán đến là hơn 38.700 tài khoản. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng khoảng 6,5 lần trong vòng 10 năm qua và hiện đạt khoảng 50 tỷ USD.
Những thông tin này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Do vậy theo quan điểm của ông Huy, dòng vốn này sẽ sớm quay trở lại trong thời gian tới. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng đầu danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi nên được kỳ vọng sẽ sớm đón dòng vốn ngoại.
"Chúng ta thấy rất rõ nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang cần gói kích cầu nhưng nếu chúng ta chỉ dựa vào nguồn lực của chính mình sẽ mất rất nhiều công sức. Vậy nên việc khơi thông, xử lý nốt các tiêu chí cần cải thiện để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng sẽ là phương án tốt để đón nhận thêm nguồn lực mới, rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi khi có nguồn vốn ngoại trần nợ công sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Ngoài ra thị trường chứng khoán hiện đang ở thời kỳ rất tốt để phát triển làm kênh dẫn vốn hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, để từ đó doanh nghiệp khôi phục lại tốt hơn, hỗ trợ làm giảm quy mô của gói kích thích trong khi hiệu quả đem đến doanh nghiệp và nhà đầu tư đều rất có triển vọng., ông Huy nhấn mạnh.