January 07, 2025 | 08:00 GMT+7

Ông Biden chặn thương vụ Nippon Steel - US Steel, lợi bất cập hại

Bình Minh -

Tổng thống Biden đã phản đối kế hoạch sáp nhập giữa US Steel và Nippon Steel từ khi thương vụ được công bố vào cuối năm 2023...

US Steel từng là biểu tượng của nền sản xuất công nghiệp Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
US Steel từng là biểu tượng của nền sản xuất công nghiệp Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Hôm thứ Sáu vừa rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chặn thương vụ hãng thép Nhật Bản Nippon Steel mua lại hãng thép Mỹ US Steel với giá 14,3 tỷ USD. Ông Biden đưa ra lý do an ninh quốc gia cho động thái này, nhưng giới phân tích nói rằng làm như vậy có thể khiến các công ty nước ngoài ngại rót vốn đầu tư vào doanh nghiệp Mỹ trong tương lai.

“Như tôi đã nói nhiều lần, sản xuất thép và công nhân ngành thép là xương sống của đất nước chúng ta. Một ngành công nghiệp thép thuộc sở hữu của nước Mỹ và do người Mỹ vận hành là sự thể hiện mối ưu tiên thiết yếu về an ninh quốc gia và rất quan trọng đối với sự bền vững của chuỗi cung ứng”, ông Biden nói trong một tuyên bố.

Theo hãng tin CNN, ông Biden đã phản đối kế hoạch sáp nhập giữa US Steel và Nippon Steel từ khi thương vụ được công bố vào cuối năm 2023, nên quyết định trên của ông không nằm ngoài dự báo. Cả Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng không đồng tình với thương vụ này và đã tuyên bố sẽ chặn thỏa thuận ngay sau khi lên cầm quyền.

Ngay từ đầu, kế hoạch mua lại US Steel của Nippon Steel đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố chính trị. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều phản đối việc nước ngoài nắm quyền kiểm soát một công ty từng giữ vai trò chủ chốt trong sức mạnh công nghiệp Mỹ và đã trải qua nhiều thăng trầm. Nghiệp đoàn công nhân thép Mỹ (USW) hoan nghênh quyết định của ông Biden, trong khi US Steel và Nippon Steel đã đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ vào ngày thứ Hai (6/1).

Việc chặn thỏa thuận này có thể nhận được sự hưởng ứng chính trị ở Mỹ, nhưng mặt bất cập là các công ty nước ngoài từ đây có thể ngần ngại hơn khi có ý định đầu tư vào Mỹ. Đồng thời, US Steel cũng mất đi một nguồn vốn đầu tư mà công ty đang rất cần.

Công ty này đã nói rằng sẽ buộc phải đóng cửa các nhà máy có công nhân thuộc USW nếu không có được số vốn đầu tư 2,7 tỷ USD từ Nippon Steel như một phần trong kế hoạch mua lại. Về phần mình, USW phản đối vụ mua lại vì cho rằng Nippon Steel không đưa ra sự đảm bảo đầy đủ rằng công nhân nghiệp đoàn sẽ giữ được việc làm tại các nhà máy US Steel sau khi sáp nhập. Trong tuyên bố hôm thứ Sáu, USW nói US Steel vẫn có thể làm ăn có lãi tại các nhà máy có công USW ngay cả khi không có vốn đầu tư của Nippon Steel.

US Steel từng có thời là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa cao nhất thế giới và là công ty đầu tiên trên thế giới đạt mức vốn hóa 1 tỷ USD, ngay sau khi thành lập vào năm 1901. Công ty này cũng từng giữ một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ và có mặt trong tất cả các sản phẩm ô tô, thiết bị, cầu cống và các tòa nhà chọc trời của nước Mỹ - những biểu hiện của sức mạnh kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, US Steel đã trượt dốc trong nhiều thập kỷ sau  thời kỳ đỉnh cao hậu Thế chiến thứ hai. Công ty thậm chí không còn là nhà sản xuất thép lớn nhất của Mỹ và chỉ còn là một chủ sử dụng lao động tương đối nhỏ với 14.000 công nhân tại Mỹ, trong đó có 11.000 người là thành viên USW.

Giá trị vốn hóa thị trường của US Steel hiện còn chưa đầy 6,9 tỷ USD, so với mức 26,9 tỷ USD của một hãng thép Mỹ khác là Nucor. Sau khi có tin thỏa thuận với Nippon Steel bị bác bỏ, giá cổ phiếu US Steel giảm hơn 6,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.

Dù không còn ở thời hoàng kim, US Steel vẫn không phải là một công ty mà các chính trị gia thích nói về sự vĩ đại của nước Mỹ muốn chứng kiến rơi vào tay nước ngoài. Điều này càng đúng khi US Steel có trụ sở ở thành phố Pittsburgh của bang Pennsylvania - tiểu bang có ý nghĩa chính trị quan trọng vì là một bang dao động trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mặc dù không còn sử dụng nhiều lao động như trước đây, US Steel cho biết công ty có gần 18.000 người là lao động về hưu và những người thụ hưởng đang nhận lương từ quỹ hưu trí tại công ty.

Trong những động thái cho thấy việc ngăn chặn thỏa thuận Nippon Steel - US Steel có bản chất chính trị, ông Trump phản đối việc công ty Nhật mua hãng thép Mỹ nhưng gần đây lại hoan nghênh khoản đầu tư 100 tỷ USD từ công ty Nhật Bản Softbank vào Mỹ, trong đó có đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) - lĩnh vực được cho là có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với an ninh quốc gia.

Nếu việc US Steel được một công ty Nhật Bản mua lại gây ra mối đe dọa về an ninh quốc gia, một số nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ cân nhắc kỹ hơn về việc dành nguồn lực cho các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) hoặc đầu tư vào các công ty Mỹ.

Ông Jason Furman, một cố vấn kinh tế cấp cao của chính quyền Tổng thống Barack Obama, chỉ trích mạnh mẽ quyết định của ông Biden. “Tổng thống Biden gọi việc Nhật Bản đầu tư vào một công ty thép Mỹ là một mối đe dọa an ninh quốc gia sẽ khiến nước Mỹ kém thịnh vượng và kém an toàn hơn”, ông Furman nhận định trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate