“Họ đang giết người... Hãy nhìn xem, đại dịch duy nhất mà chúng ta thấy là ở nhóm người chưa tiêm vaccine”, ông Biden nói khi được hỏi về thông tin sai lệch và thông điệp mà ông muốn gửi tới các nền tảng như Facebook.
Theo Reuters, thời gian qua, thông tin sai lệch về Covid-19 trở nên phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube (thuộc sở hữu của Alphabet). Các nhà nghiên cứu và nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã cáo buộc Facebook không kiểm soát được nội dung độc hại trên nền tảng của mình.
Trước ông Biden, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng chỉ trích Facebook, cho rằng công ty này chưa hành động đủ để ngăn chặn tin giả.
"Họ đã có hành động. Nhưng rõ ràng họ có thể hành động nhiều hơn nữa”, bà Psaki nói và cho biết chính quyền của Tổng thống Biden thường xuyên liên hệ với Facebook và gắn cờ những bài đăng có vấn đề.
Trước đó, Tổng y sĩ Vivek Murthy cũng lên tiếng về làn sóng thông tin sai lệch về dịch bệnh Covid-19 và các loại vaccine. Ông cho rằng điều này khiến cuộc chiến chống đại dịch càng trở nên khó khăn hơn.
Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nahid Bhadelia, người sáng lập Trung tâm bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học Boston, cho rằng mạng xã hội đóng vai trò lớn trong việc làm lan tràn những thông tin sai lệch, khiến nhiều người không tiêm vaccine.
“Sự thật là dịch bệnh Covid-19 giờ đây có thể ngăn chặn bằng vaccine”, bà Nahid Bhadelia khẳng định.
Dẫn một khảo sát của Kaiser Family Fund, bà cho biết 54% người Mỹ không thể phân biệt những thông tin về vaccine là sự thật hay hư cấu.
Chia sẻ với CNBC, bà Bhadelia tin rằng các nền tảng mạng xã hội có thể hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch.
“Họ cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa, hành động tốt hơn nữa để nhanh chóng gỡ bỏ những thông tin đó, đầu tư nhiều hơn vào việc thay đổi thuật toán. Bởi vì hiện tại, những thông tin ở trên đầu trang không phải là sự thật nhưng lại rất phổ biến”, bà Bhadelia nói.
Bà cũng đề xuất những công ty này hợp tác hơn nữa với các cơ quan y tế cộng đồng để mang đến thông tin chính xác cho người dùng.
Trước những chỉ trích, Facebook đã đưa ra nhiều quy định nhằm ngăn chặn những thông tin sai lệch về dịch bệnh và vaccine Covid-19, đồng thời cho biết công ty đã và đang cung cấp cho người dùng những thông tin đáng tin cậy về các chủ đề này.
“Chúng tôi sẽ không bị phân tâm bởi những cáo buộc không dựa trên sự thật”, người phát ngôn Kevin McAlister của Facebook cho biết ngày 16/7. "Sự thật là hơn 2 tỷ người đã xem được những thông tin của nhà chức trách về Covid-19 và vaccine Covid-19 trên Facebook, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên internet”.
Ông Kevin McAlister cũng cho biết hơn 3,3 triệu người dùng Mỹ đã sử dụng công cụ tìm vaccine của Facebook để tìm các địa điểm tiêm vaccine.
“Những số liệu thực tế này cho thấy Facebook đang giúp cứu sống nhiều người. Chấm hết”, ông McAlister khẳng định.
Ngày 16/7, các quan chức Mỹ cho biết biến thể Covid-19 Delta hiện là chủng virus chiếm chủ đạo trên toàn cầu và số ca tử vong tại Mỹ tăng mạnh chủ yếu ở nhóm người chưa tiêm vaccine.
Thời gian gần đây, tốc độ tiêm chủng tại Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại trong khi số ca nhiễm tăng lên. Trong tuần trước, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng 70% và số ca tử vong tăng 26%, chủ yếu xảy ra tại những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, trong tuần qua, tất cả 50 bang đều chứng kiến số ca nhiễm mới tăng lên. Nước này ghi nhận trung bình hơn 26.000 ca nhiễm mỗi ngày - con số cao nhất trong 2 tháng.