Nhận định về thị trường chứng khoán tại Diễn đàn "Mặt bằng lãi suất thấp: Đầu tư gì để hiệu quả cao?" diễn ra sáng nay 26/3, ông Lã Giang Trung CEO Passion Investment nhấn mạnh, thị tường chứng khoán đang ở giai đoạn tốt dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Điều này trái ngược với trong quá khứ.
Thường khi nền kinh tế vĩ mô khó khăn các chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ được đưa ra. Các chính sách hiện tại đang kích thích mạnh và là điều kiện tốt để chứng khoán phát triển. Thị tường chứng khoán cũng không phải năm nay mới tăng mà đã tăng từ năm ngoái.
Mặc dù vậy, Vn-Index đang được định giá ở mức trung bình thấp. P/E dưới 15 lần những giai đoạn 2018-2022 P/E Vn-Index trên 20 lần trong khi lãi suất thấp còn hơn cả trong giai đoạn Covid, đó là yếu tố tích cực cho thị trường.
"VN-Index sẽ lên đến 1.500 và đầu năm sau sẽ lên vùng cao mới khi sở hữu nhiều yếu tố thiên thời cho chứng khoán tăng trưởng. Ngoài ra, thị trường chứng khoán thế giới phần lớn đã vượt đỉnh, năm nay cũng là năm rất tốt VN-Index vượt đỉnh", ông Trung nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, theo ông Trung trong một chu kỳ tăng trưởng dài hạn, Vn-Index sẽ có những nhịp chỉnh đan xen 5-7%. Trong xu hướng từ đáy lên đỉnh thì đâu đó có khoảng 4-6 nhịp điều chỉnh, do đó năm nay sẽ có một hai nhịp chỉnh giảm lớn trên 10% nhưng sau đó đi lên. Cụ thể hơn, VN-Index sẽ đạt 1.350 điểm sau đó sẽ có một nhịp chỉnh lớn khoảng 12-15%, giai đoạn này là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào.
Về nhóm ngành dẫn dắt, theo ông Lã Giang Trung, ngành hưởng lợi lớn nhất, có thể dẫn dắt thị trường là ngân hàng. Định giá của ngành này đang ở mức thấp và còn nhiều dư địa tăng trưởng.Thứ hai là việc lãi suất huy động hạ xuống thì NIM của họ tăng lên. Thứ ba là kết quả kinh doanh của họ cũng đang khá tốt. "Theo tôi đầu tư thì chỉ nên nên chọn 1- 2 ngành chính. Ngoài ngân hàng tôi thấy ngành bán lẻ cũng đang có định giá rất hấp dẫn", CEO Passion Investment khuyến nghị.
Nhận định về dòng vốn nhà đầu tư trong nước, cũng theo ông Trung, dòng vốn nội đã đổ ồ ạt vào thị trường trong thời gian gần đây, thanh khoản trung bình trên thị trường hơn 30.000 tỷ mỗi phiên. Với mặt bằng lãi suất thấp hơn cả giai đoạn Covid, thị trường sẽ sớm chứng kiến những phiên thanh khoản bùng nổ quay với đỉnh thanh khoản của năm 2021 tương đương hơn 2 tỷ USD.
Cũng tại hội thảo, nhận định về động thái bán ròng của khối ngoại, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Dragon Capital chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng. Nếu từ tháng 3/2023 đã bán ròng hơn 38.000 tỷ đồng.
Đà bán ròng này đến từ vài nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều sự lựa chọn. Với khẩu vị đầu tư vào những công nghệ mới, Việt Nam gần như không có. Nguồn vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài chảy từ Trung Quốc sang Ấn độ, Nhật.
Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài lo ngại một số vấn đề của Việt Nam không như kỳ vọng về mặt vĩ mô. Không phải vĩ mô của chúng ta bất ổn mà do không được như họ kỳ vọng nên họ sợ không dám rót tiền vào.
Mặc dù vậy, trong 2 tháng gần đây, rõ ràng có sự quan tâm nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Việt Nam vẫn nằm trong những nước nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Nếu chính thức được MSCI nâng hạng, khả năng rất cao dòng vốn ngoại sẽ quay lại mạnh mẽ. Mặt khác, trên thị trường ETF tỷ trọng nhỏ, phần lớn các quỹ chủ động và đây mới là dòng tiền lớn vào thị trường Việt Nam.
Nói thêm về tiến trình nâng hạng, TS Cấn Văn Lực cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, nếu thời điểm này chúng ta không nâng hạng thì không biết bao giờ mới làm được.
"Cố gắng được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong năm 2025. Tuy nhiên, muốn được vậy thì tháng 9 năm nay khi họ rà soát thì chúng ta phải nhận được tín hiệu nâng hạng trong vòng 12 tháng nữa. Hiện có hai vướng mắc chính gồm kỹ quỹ và liên quan đến sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để rà soát lại sở hữu nước ngoài; với prefunding hoàn toàn chủ động được bằng cách tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán chấp nhận rủi ro trong khả năng kiểm soát", vị này nhấn mạnh.