April 23, 2024 | 13:45 GMT+7

Ông Phạm Xuân Hòe: Lượng tiền gửi ngân hàng giảm mạnh do chảy sang vàng

Kiều Trang -

Bình quân mỗi năm ta tiêu thụ 55 tấn vàng với lượng cung trong nước 3-4 tấn thì lượng nhập về hơn 50 tấn vàng. Cơ quan chức năng không cho nhập thì sẽ nhập lậu, chảy đô la ra nước ngoài, đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ giá tăng lên...

Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, phát biểu tại tọa đàm "Nhận diện Kinh tế quý 1/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm". Ảnh Việt Dũng.
Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, phát biểu tại tọa đàm "Nhận diện Kinh tế quý 1/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm". Ảnh Việt Dũng.

Tại tọa đàm "Nhận diện Kinh tế quý 1/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, nhận xét lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng xuống thấp nhất nhiều năm qua, điều này quá tốt cho nền kinh tế nếu lãi suất tiền vay giảm tương ứng.

Tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm 31/12/2023 là 13,5 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 13%. Cơ cấu tiền gửi giữa tổ chức và người dân 50-50. "Tôi không thích cách mọi người nói tiền gửi tăng "khủng" lên gần 14 triệu tỷ đồng, bởi mức tiền gửi tăng là bình thường khi lạm phát như vậy, GDP như vậy. Lãi suất huy động năm 2023 lên tới 9-10% thì tất nhiên tiền gửi phải tăng", ông Hòe nói.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động giảm liên tục và ở mức thấp kỷ lục, kỳ hạn 1 tháng khoảng 1,7-2%, 12 tháng khoảng 4,6- trên 5%. Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi là 13,4 triệu tỷ đồng, giảm 0,76% so đầu năm.

Trong đó, lượng tiền gửi trong nền kinh tế giảm 0,76% do dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán.

Về dịch chuyển đầu tư sang vàng, ông Hòe cho hay: "Vàng trong quý 1 tăng 23%, do đó, chỉ cần nắm vàng từ đầu năm đã lãi 23%”.

Cũng theo vị chuyên gia, bình quân mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 55 tấn vàng (theo tính toán của Fulbright), với lượng cung trong nước 3-4 tấn thì lượng nhập về hơn 50 tấn vàng. Việc phải dùng một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng cũng gây áp lực lên tỷ giá.

Dòng tiền vào vàng lớn vì giá tăng cao, doanh số mua bán vàng ở các công ty vàng trong nước rất cao như Công ty PNJ doanh số trên 30 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trên 1000 tỷ đồng; SJC doanh thu trên 30 ngàn tỷ đồng…

Tiếp theo là chảy vào chứng khoán và bất động sản. Theo phân tích Fiingroup, tỷ trọng dòng tiền phục hồi đối với ngành bất động sản tăng lên 21,5% vượt trội so với ngân hàng (17,8%) và chứng khoán (15,5%).

Trong đó, tiền vào chứng khoán tăng cao, dòng tiền trong nước cân toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại. Số lượng tài khoản mở mới tăng, giao dịch bình quân trung bình 27.000 tỷ đồng một phiên.

Cùng với đó, tiền vào thị trường bất động sản cũng có sự phục hồi đáng kể với hàng loạt yếu tố tích cực như kiều hối 14 tỷ USD/năm, Luật Đất đai cho phép Việt kiều mua nắm giữ bất động sản; nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tích cực mua lại trái phiếu với số tiền 10.468 tỷ đồng, chiếm 47,9% tổng số mua lại trái phiếu doanh nghiệp; FDI tiếp tục gia tăng đầu tư vào bất động sản (nhất là bất động sản khu công nghiệp)...

Dẫu vậy, theo ông Hòe, với xu hướng “nhích” lãi suất tiền gửi từ nay tới cuối năm thì tiền gửi ngân ngân cũng sẽ phục hồi.

"Nhưng câu hỏi đặt ra là tiền đã rẻ chưa? Tôi khẳng định tiền ở Việt Nam vẫn không rẻ. Lãi suất thực cho vay trừ đi lạm phát vẫn còn cao 4-5%. Lãi suất tiền vay bây giờ, tôi hỏi các doanh nghiệp thì thấy chỉ những doanh nghiệp tốt mới được vay lãi suất thấp 5-6% vốn ngắn hạn nhưng thông thường thì vay vốn ngắn hạn lãi suất 7-8,5% và 9-10% lãi trung và dài hạn. Lãi suất vẫn quá cao và tiền không rẻ", ông Hòe nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate