April 01, 2022 | 09:23 GMT+7

Ông Putin ra “tối hậu thư” về khí đốt, châu Âu tuyên bố “không khuất phục”

An Huy -

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/3 ra “tối hậu thư” yêu cầu nước ngoài mua khí đốt của Nga phải trả bằng đồng Rúp kể từ ngày 1/4, nếu không nguồn cung sẽ bị cắt giảm một nửa...

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty/CNBC.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty/CNBC.

Một loạt quốc gia châu Âu phản đối yêu cầu này của Nga, và Đức thậm chí gọi đây là hành động “tống tiền”.

Theo tin từ Reuters, sắc lệnh ngày thứ Năm của ông Putin đặt châu Âu trước khả năng mất 1/3 tổng nguồn cung khí đốt. Đức, nước phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung khí đốt Nga, trước đó đã triển khai một kế hoạch khẩn cấp về năng lượng mà theo đó nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể áp dụng chế độ chia khẩu phần khí đốt.

ÔNG PUTIN: NGA KHÔNG LÀM TỪ THIỆN

Xuất khẩu năng lượng là đòn bẩy quan trọng nhất mà Nga có để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mà phương Tây áp lên các ngân hàng, doanh nghiệp, doanh nhân và các chính trị gia cấp cao của Nga.

Ông Putin tuyên bố khách mua khí đốt từ Nga “phải mở một tài khoản tiền Rúp tại ngân hàng Nga. Việc thanh toán cho khí đốt mua từ ngày mai (1/4) sẽ được thực hiện thông qua các tài khoản này”.

“Nếu việc thanh toán không được thực hiện như vậy, chúng tôi sẽ coi là người mua mất khả năng thanh toán, và hậu quả sẽ xảy ra. Chẳng ai bán miễn phí cho chúng tôi thứ gì cả, và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện. Điều đó có nghĩa là các hợp đồng hiện nay sẽ chấm dứt”, ông Putin phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia.

Hiện chưa rõ có một phương thức nào để các công ty nước ngoài có thể tiếp tục thanh toán cho việc mua khí đốt Nga mà không phải dùng đến đồng Rúp, vì cả Liên minh châu Âu (EU) và nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đều đã bác bỏ yêu cầu mà ông chủ điện Kremlin đưa ra.

Italy cho biết đang liên lạc với các đối tác ở châu Âu để có sự đáp trả cứng rắn đối với Nga. Nước này cũng nói đang có dự trữ khí đốt đủ để duy trì các hoạt động kinh tế ngay cả trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn.

Các công ty năng lượng của Đức nói đang thảo luận với Chính phủ về các thức phản ứng trong trường hợp có gián đoạn nguồn cung và vạch ra một lộ trình những việc cần làm nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt.

Theo sắc lệnh mà ông Putin đưa ra, khách nước ngoài mua khí đốt Nga sẽ phải sử dụng các tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Nga Gazprombank để trả tiền mua khí đốt. Gazprombank sẽ thay mặt bên mua khí đốt mua đồng Rúp để phục vụ cho việc thanh toán và chuyển số tiền Rúp đó vào một tài khoản khác.

Một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng trong một số hợp đồng, việc thanh toán cho khí đốt mua trong tháng 4 sẽ chỉ bắt đầu từ nửa sau của tháng 4. Các hợp đồng khác được thanh toán từ tháng 5 trở đi. Do vậy, việc cắt khí đốt ngay lập tức là khó có khả năng xảy ra.

Quyết định của ông Putin về bán khí đốt lấy Rúp đã giúp củng cố sức mạnh cho đồng nội tệ của Nga. Sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục vì cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, đồng Rúp đến nay đã phục hồi về gần mức trước chiến tranh.

Hiện nay, phần lớn khách châu Âu mua khí đốt Nga đều thanh toán bằng đồng Euro. Lãnh đạo các công ty châu Âu nhập khẩu khí đốt Nga nói rằng sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí lâu hơn, để đàm phán lại hợp đồng.'

CHÂU ÂU TUYÊN BỐ "KHÔNG KHUẤT PHỤC"

Việc dùng đồng Rúp để thanh toán cho các giao dịch khí đốt cũng sẽ làm suy giảm ảnh hưởng của lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt nhằm hạn chế khả năng của Nga trong việc tiếp cận dự trữ ngoại hối của nước này. Hiện tại, khoảng một nửa trong số dự trữ ngoại hối 640 tỷ USD của Nga bị đóng băng bởi trừng phạt.

Từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, các nước châu Âu đẩy mạnh việc tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga. Nhưng thị trường khí đốt toàn cầu vốn dĩ đã thắt chặt, nên châu Âu không có nhiều lựa chọn. Mỹ đã tăng xuất khẩu khí hoá lỏng (LNG) sang châu Âu, nhưng vẫn không đủ để thay thế khí đốt Nga.

“Việc quan trọng là chúng ta phải phát đi một tín hiệu rằng chúng ta sẽ không khuất phục hành động ‘tống tiền’ của Nga”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố, nói thêm rằng Nga không thể chia rẽ châu Âu. Đức cũng nói việc thanh toán cho khí đốt Nga sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng Euro.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói Pháp và Đức đang chuẩn bị cho khả năng nguồn cung khí đốt Nga bị cắt.

Tổng thống Putin nói việc chuyển sang thanh toán bằng Rúp sẽ củng cố chủ quyền của Nga. Ông nói phương Tây đang sử dụng hệ thống tài chính làm vũ khí, và chẳng có lý do gì để Nga giao dịch bằng USD và Euro trong lúc tài sản của Nga bằng những đồng tiền này đang bị đóng băng.

“Chúng ta dùng tài nguyên của mình để cung cấp cho châu Âu, trong trường hợp này là khí đốt. Họ nhận hàng và trả cho chúng ta bằng Euro, và rồi họ lại đóng băng tài sản Euro của chúng ta. Có thể thấy rằng, vì lý do này, một phần khí đốt mà chúng ta cung cấp cho châu Âu là miễn phí”, ông Putin nhấn mạnh. “Dĩ nhiên, việc này không thể tiếp tục”.

Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga cũng nói nước này vẫn tôn trọng uy tín kinh doanh của mình và sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trong các hợp đồng cung cấp khí đốt và các hợp đồng khác.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh từ đầu năm, đặt ra nguy cơ kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái. Nhiều nhà máy trong khu vực, bao gồm các nhà máy sản xuất thép và hoá chất, đã buộc phải cắt giảm sản xuất.

Trong phiên giao dịch ngày 31/3, giá khí đốt ở Anh và Hà Lan tăng tương ứng 4% và 5% sau tuyên bố của ông Putin.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate