November 05, 2020 | 10:31 GMT+7

Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc sẽ thúc đẩy ký sớm RCEP

Bình Minh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về kế hoạch của nước này nhằm đóng một vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Getty/CNBC.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Getty/CNBC.

Trong một bài phát biểu vào ngày 4/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về kế hoạch của nước này nhằm đóng một vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu, nhưng không đề cập gì đến căng thẳng Mỹ-Trung, hãng CNBC đưa tin.

"Chúng tôi sẽ làm việc để Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sớm được ký kết, đồng thời thúc đẩy đàm phán hiệp định đầu tư Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU) và thỏa thuận tự do thương mại Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc", ông Tập phát biểu qua video tại lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE). Bài phát biểu không nhắc đến Mỹ, quốc gia đã ở trong cuộc thương chiến với Trung Quốc suốt hơn 2 năm qua.

RCEP sẽ trở thành thỏa thuận tự do thương mại (FTA) lớn nhất thế giới sau khi được 15 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ký kết trong năm nay như dự kiến. 15 thành viên RCEP bao gồm 10 nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và New Zealand.

Thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và EU đang được hai bên đàm phán, nhưng tiến bộ chậm chạp của các cuộc đàm phán đến thời điểm này đã làm suy giảm hy vọng về khả năng ký kết một thỏa thuận vào cuối năm nay. Đàm phán FTA Trung-Nhật-Hàn cũng diễn ra khá ì ạch.

Trong bài phát biểu, ông Tập đề cập đến một loạt biện pháp mà Trung Quốc theo đuổi để mở rộng hơn cánh cửa thị trường nước này cho doanh nghiệp nước ngoài và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Đây đều là các sáng kiến mà Trung Quốc đã công bố từ trước, từ cả thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho tới giảm hạn chế đối với nhập khẩu công nghệ.

"Mục tiêu của chúng tôi là đưa Trung Quốc trở thành một thị trường cho thế giới, một thị trường được chia sẻ cho tất cả, và một thị trường mà tất cả đều có thể tiếp cận", nhà lãnh đạo nói.

Ông Tập nói thêm rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hợp tác với Liên hiệp quốc, nhóm G20 và các tổ chức quốc tế khác. Ông kêu gọi các quốc gia và doanh nghiệp cùng hợp tác sau đại dịch Covid-19.

Trận dịch này bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm ngoái, sau đó lan rộng ra toàn quốc và các khu vực khác trên thế giới, trở thành đại dịch toàn cầu. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ suy giảm, nhưng Trung Quốc được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng - theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trung Quốc bắt đầu tổ chức CIIE vào năm 2018 như một sự kiện thường niên nhằm chứng tỏ rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới là một người mua, thay vì chỉ sản xuất và bán, hàng hóa trên toàn cầu.

Theo số liệu thống kê chính thức, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tính bằng đồng Nhân dân tệ giảm 0,6% trong 3 quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu tăng 1,76%.

Nhà tổ chức CIIE cho biết có hơn 100 thương hiệu từ Anh sẽ tham gia hội chợ trong năm nay. Chưa rõ có bao nhiêu công ty Mỹ sẽ dự hội chợ này, nhưng thông tin từ website của hội chợ cho thấy một số doanh nghiệp Mỹ có thể tham dự như GE, Quacomm, Cargill, Edwards Lifesciences, Pfizer và Eli Lilly.

Lãnh đạo nhiều quốc gia như Pakistan, Nam Phi, Chile, Uzbekistan, Serbia, Tây Ban Nha, Papua New Guinea và Hungary cũng phát biểu tại lễ khai mạc CIIE thông qua video.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate