Thị trường ôtô nhập khẩu đang cho thấy những dấu hiệu sôi động trở lại sau quãng thời gian 2 tháng đầu năm chùng xuống. Nhưng dường như đó chỉ là biểu hiện ở bề nổi che giấu con sóng dữ đang hình thành.
Vui tranh thủ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu ôtô 2 tháng đầu năm chỉ dừng ở mức 6.000 chiếc và dưới 150 triệu USD. So với mức bình quân tháng của năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tháng 1 và tháng 2/2016 đã sụt giảm rất mạnh cả về lượng lẫn giá trị.
Sang đến tháng 3 và tháng 4, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã có đợt hồi phục đáng kể. Đơn cử, lượng xe nhập khẩu về nước trong tháng 3/2016 đạt 9.000 chiếc và giá trị kim ngạch đạt 208 triệu USD. Ước tính trong tháng 4/2016, lượng ôtô nhập khẩu đạt khoảng 8.000 chiếc và giá trị kim ngạch khoảng 182 triệu USD.
Dù vậy, con số thực hiện hoàn toàn có thể chênh lên so với ước tính sau khi đã có thống kê đầy đủ, tình huống đã diễn ra tương tự với kim ngạch tháng 3.
Đó là những biểu hiện cụ thể về mặt số học được thống kê thông qua các cơ quan chuyên ngành như Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) hay Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Không khí trên thị trường cũng cho thấy những tín hiệu khá lạc quan.
Ngay trong tháng 4/2016, hàng loạt mẫu xe mới đã được các nhà nhập khẩu đưa về nước. Một mặt, đó là công việc được các đơn vị phân phối thực hiện cho các hợp đồng đã ký với người tiêu dùng.
Mặt khác, những mẫu xe cũng được nhập khẩu để chuẩn bị cho kỳ triển lãm ôtô có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, Triễn lãm Ôtô Quốc tế Việt Nam lần thứ 2 (VIMS 2016), do nhóm các nhà phân phối ôtô chính hãng tổ chức.
Và trước mắt, ngay trong quý 2/2016, bản thân 3 nhà phân phối ôtô hạng sang quản lý 4 thương hiệu Audi, BMW, Mercedes-Benz và MINI cũng sẽ cùng nhau tổ chức các kỳ triển lãm riêng tại Hà Nội.
Đây là dịp để các thương hiệu này có thể giới thiệu một cách đầy đủ nhất những công nghệ và bộ sưu tập xe của mình mà trên thực tế, họ không có điều kiện để thực hiện tại kỳ triển lãm chung VIMS.
Dồn sức vượt khó
Giai đoạn cuối năm ngoái, bên cạnh nhu cầu sử dụng xe cho đợt nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, không ít người tiêu dùng đã cố gắng hoàn thành hợp đồng mua xe nhằm tránh phải chịu tăng giá từ thời điểm ngày 1/1/2016 do cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới.
Tương tự, các nhà phân phối ôtô cho biết, sức mua ôtô nhập khẩu giai đoạn gần đây đang khá sôi động và dự báo sẽ kéo dài cho đến hết quý 2 năm nay nhờ tâm lý “chạy giá” của người tiêu dùng.
Lý do là, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua, kể từ ngày 1/7/2016, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe nhập khẩu có dung tích xi-lanh động cơ trên 2.500 cm3 sẽ tăng lên đáng kể.
Đáng chú ý là mức tăng thuế rất mạnh từ mức 60% hiện hành lên 90% đến cao nhất là 150% đối với các loại xe có dung tích xi-lanh động cơ trên 3.000 cm3.
Điều này cũng đồng nghĩa, người tiêu dùng còn quãng thời gian 2 tháng nữa để tranh thủ trước khi đợt tăng giá mới bắt đầu. Theo tính toán, các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mới, giá bán lẻ của các loại ôtô có dung tích xi-lanh động cơ trên 2.500 cm3 sẽ tăng lên đáng kể.
Ví dụ, với mẫu xe Mercedes S500L, mức giá bán lẻ hiện tại là 5 tỷ đồng, từ ngày 1/7/2016, khi chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 110% thay cho mức 60% hiện hành, giá bán lẻ sẽ ở khoảng 6,6 tỷ đồng, tăng đến 1,6 tỷ đồng. Chưa kể, nếu so với thời điểm trước ngày 1/1/2016, mức giá bán còn chênh hơn nhiều bởi cách tính giá tính thuế thay đổi.
Đáng chú ý là theo biểu thuế tiêu thụ đặc biệt mới, mặc dù các loại xe có dung tích xi-lanh động cơ dưới 1.500 cm3 được hưởng mức giảm 5% so với hiện hành thì do cách tính giá tính thuế thay đổi, giá bán lẻ các loại xe này vẫn sẽ không giảm, thậm chí còn bị tăng nhẹ.
Các nhà phân phối ôtô nhập khẩu cho rằng, việc điều chỉnh chính sách thuế đã, đang và sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế là yêu cầu và chức năng của nhà nước, doanh nghiệp có thể hiểu và thông cảm được. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, các chính sách thay đổi liên tục và thường chỉ công bố khi chuẩn bị có hiệu lực thì chẳng khác nào đánh đố doanh nghiệp.
“Ôtô khác các ngành hàng khác là thường phải có kế hoạch trước ít nhất 6 tháng. Một chiếc ôtô nhập khẩu từ châu Âu chỉ tính thời gian chuyển về đến Việt Nam kể từ khi ký hợp đồng cũng phải mất 4 tháng. Vì vậy, việc nhà nước thay đổi chính sách liên tục khiến doanh nghiệp bị xoay như đèn cù, không biết tính toán thế nào”, đại diện một nhà phân phối ôtô hạng sang chia sẻ.
Trước tình thế khó khăn cận kề, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chỉ còn cách tranh thủ quãng thời gian “dễ thở” ngắn ngủi để dồn sức cho buổi chợ chiều sắp đến.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate