Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư "Tiềm năng và Cơ hội" diễn ra sáng nay 7/9, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Tài chính Tập đoàn PAN cho biết, ước tính doanh thu thuần quý 3/2022 đạt 3.600 tỷ đồng tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ tăng 192% trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 53 tỷ đồng.
LỢI NHUẬN 9 THÁNG NĂM 2022 ĐẠT 537 TỶ ĐỒNG TĂNG 132%
Tính chung 3 quý đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 9.900 tỷ đồng tăng 53% so với 3Q/2021, lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ tăng 132% so với năm 2021. Biên lợi nhuận gộp tăng 19% trong khi năm ngoái là 16%. Trong bối cảnh chi phí đầu vào gia tăng, những con số về tăng trưởng doanh thu lợi nhuận, biên lợi nhuận là điểm sáng lưu ý.
Về cơ cấu doanh thu, doanh thu toàn tập đoàn có đến 51% từ thủy sản, 35% từ nông nghiệp, còn lại hàng tiêu dùng, bánh kẹo, hạt điều, nước mắm. Mặc dù mảng nông nghiệp doanh thu chiếm thứ hai sau thủy sản nhưng cơ cấu lợi nhuận lại đóng góp 41%, trong khi đó thủy sản đóng góp 35% còn lại là hàng tiêu dùng 13% lợi nhuận.
Trụ cột cho tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của PAN thời điểm hiện tại và 2023 vẫn là nông nghiệp và thủy sản vì đây là hai mảng có nhịp đầu tư sớm hơn so với các mảng tiêu dùng. Sản phẩm tiêu dùng sẽ có nhịp tăng trưởng 1-2 năm sau.
Như vậy, với kết quả đạt được 3 quý đầu năm 2022, PAN đã hoàn thành được 70% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2022. Năm 2022, PAN đặt kế hoạch 14.300 tỷ doanh thu và 755 tỷ lợi nhuận sau thuế. Tỷ lệ hoàn thành này so với các năm trước tương đối cao, các năm trước thông thường chỉ hoàn thành 55-65% kế hoạch đề ra cả năm vì Quý 4 là cao điểm mảng nông nghiệp cũng như thủy sản, tiêu dùng.
SỞ HỮU NHIỀU CÔNG TY TỐT NHẤT VIỆT NAM KHÔNG HIỂU SAO GIÁ CỔ PHIẾU THẤP?
Tại buổi gặp gỡ, trả lời câu hỏi nhà đầu tư "Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực nhiều người quan tâm, Ban lãnh đạo có nhìn ra cơ hội nào không? Tập đoàn chuẩn bị gì để nắm bắt cơ hội đó?", bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Vinaseed nhấn mạnh, trong nguy luôn có cơ, đó là quy luật.
Hiện nay cuộc khủng hoảng lương thực diễn ra toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Âu với lúa mỳ, châu Á với lúa gạo. Tại Trung Quốc, Ấn Độ tác động hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng, toàn bộ Trung Quốc vùng sản xuất lương thực sông Dương Tử đang tác động lớn.
Đối với Việt Nam năm nay cũng là năm biến đổi khí hậu tác động lớn, vật tư phân bón tăng cao 150%, nhưng Việt Nam là khu vực duy nhất giá lúa gạo không tăng. Cũng sẽ không có vấn đề gì vì an ninh lương thực Việt Nam được đảm bảo.
Trong khi đó, các quốc gia như Thái Lan, Ấn độ, Trung Quốc dự trữ đảm bảo chưa tác động lớn nếu biến đổi khí hậu. Nên nguy cơ cũng không quá lớn trong năm 2023.
Và PAN coi đây là cơ hội tốt để xuất khẩu lúa gạo. Việt Nam vừa kết thúc thu hoạch và tổng sản lượng không thay đổi, xuất khẩu trên 4 triệu tấn với giá cao hơn. Lúa Mỳ Việt Nam thì 1 năm chỉ có 1 vụ, lúa gạo thì 1 năm 3 vụ, đây là lợi thế lớn, sau 3 tháng chúng ta có vụ mới tốt hơn. "Về cơ bản trong mảng gạo lương thực, chưa tác động lớn trong năm 2023 vì EU thì không dùng nhiều gạo mà dùng nhiều lúa mỳ, cũng có thể họ sẽ thay thế bằng lúa gạo, hiện xuất khẩu gạo của chúng tôi sang EU ghi nhận tốc độ tăng, đồng EuRo mất giá thì giá xuất khẩu cũng tương đối tốt", bà Liên nhấn mạnh.
Cũng theo bà Liên, PAN đã lên kế hoạch cho xuất khẩu, hầu hết các đơn hàng đi EU đã được đặt đến tháng 11-12, gạo xuất chất lượng, đơn hàng lớn. Các công ty gạo khác cũng rất sẵn sàng. Tóm lại, việc khủng hoảng tác động tiêu cực không lớn, cơ hội thì nhiều so với thế giới.
Về phần tăng vốn, kế hoạch đặt ra từ tháng 6 nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn tất, lý giải về việc chậm trễ tăng vốn, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện tại, PAN đã nộp hồ sơ và đang trong quá trình chuẩn bị gửi lại bản giải trình lần thứ 3 cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để bổ sung thông tin theo yêu cầu. Câu hỏi yêu cầu giải trình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ yếu về mục đích sử dụng vốn. Lần đầu tiên, bản yêu cầu của Uỷ ban Chứng khóan dài 15 trang, thời điểm hiện tại giải trình lần 3 số lượng câu hỏi chỉ còn 3 câu hỏi.
Hi vọng nộp lên giải trình lần này có thể chấp nhận tăng vốn, hi vọng trong 1-2 tháng tới.
Liên quan đến vấn đề vốn hóa và thị giá cổ phiếu, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN khẳng định, cá nhân bà cũng giữ khá lớn cổ phiếu nhiều năm nay chưa bán ra cổ nào. Giá cổ phiếu chúng tôi kỳ vọng ở mức độ cao nhất nhưng nhiều khi cũng tủi thân vì tập đoàn sở hữu toàn công ty tốt nhất Việt Nam mà không hiểu sao giá cổ phiếu lại như thế. Đó là trăn trở của ban lãnh đạo không riêng ai.
Hi vọng sau buổi hôm nay nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cách đi kế hoạch thời gian tới giai đoạn bùng nổ của PAN. Không đặt kỳ vọng nhưng tôi cũng phải xin nhắc lại tất cả phụ thuộc vào thị trường chứ không cá nhân nào quyết định giá cổ phiếu đặc biệt là một công ty làm ăn minh bạch tối đa như PAN, chúng tôi bán gói kẹo mười mấy nghìn đồng đẩy doanh số mười mấy ngàn tỷ là cố gắng rồi. Hi vọng nhà đầu tư có sự lan tỏa để mọi người hiểu đúng về cái chúng tôi làm, kế hoạch tới để giúp giá cổ phiếu cải thiện hơn thời gian tới", bà My nhấn mạnh.