Trước kia, dân Sài Gòn thường có cách nói để gọi những người trí thức thiếu trách nhiệm xã hội là “trí thức trùm mền”.
Paul Krugman, người vừa được tưởng thưởng giải Nobel kinh tế năm nay, bên cạnh các tác phẩm hàn lâm của mình, còn có những bài viết đầy chất dấn thân đăng trên tờ New York Times (NYT) mà ông là một nhà bỉnh bút thường xuyên từ năm 1999.
Hầu như ngày nào cũng có bài viết cảnh báo, lội ngược dòng nước lũ mang tên George W.Bush. Paul Krugman nối tiếp lớp trí thức Hoa Kỳ “không trùm mền”, “dấn thân” trong chiến tranh Việt Nam như Noam Chomsky, mà nay vẫn còn “múa bút”.
Trong những tháng qua, báo chí thế giới hằng ngày thường so sánh cuộc khủng hoảng hiện nay với cuộc đại khủng hoảng 1929. GS. Paul Krugman cũng từng viết như thế: “Liệu những điên cuồng hiện nay trong các thị trường tài chính thế giới có dẫn đến một sự tuột thắng toàn cầu, thậm chí một cuộc đại khủng hoảng mới?”. Song điều này đã được ông viết từ cách đây... 10 năm, trong bài Let’s not panic/yet (Hãy khoan hốt hoảng) trên NYT, 30/8/1998!
Lúc đó, ông đang là giáo sư kinh tế tại Viện MIT nổi tiếng. Tình hình lúc đó căng thẳng do sự suy sụp của tiền tệ châu Á (khủng hoảng tài chính 1997). Ngân hàng trung ương các nước này phải nâng lãi suất lên đến 30, 50, thậm chí 70% để cứu lấy đồng tiền của mình. Song, tăng lãi suất như thế lại khiến các công ty thua lỗ vì doanh thu không đủ để trả lãi ngân hàng. Từ đó kéo theo sự sụp đổ của các chủ nợ là các ngân hàng, kéo theo cả nền kinh tế.
Theo GS. Paul Krugman, vấn đề ở chỗ các nhà lãnh đạo kinh tế tài chính đã quá cứng nhắc bám chặt thứ “giáo điều” một đồng tiền mạnh, có nghĩa là một nền kinh tế mạnh, và rằng giá cả ổn định bảo đảm cho sự thịnh vượng.
Mười năm sau, trong những ngày này, GS. Krugman cũng phải nhắc đến tính cứng nhắc, giáo điều này của Bộ Tài chính Mỹ: “Khi Bộ trưởng Paulson loan báo kế hoạch 700 tỉ USD, ông kêu gọi chính phủ mua lại các công ty thế chấp bị “nhiễm độc”. Thật khó tránh cảm nhận rằng phản ứng này ông Paulson bị lôi dắt bởi tính cứng nhắc giáo điều. Sự lóng ngóng của ông Paulson có phần do việc Bộ Tài chính của ông nay đang “xuống cấp”. Các chuyên gia lão luyện đều bị bức thôi việc, đến nỗi chẳng ai còn ở lại có đủ tầm cỡ và kinh nghiệm hiểu biết để can gián ông Paulson”.
Theo GS. Krugman, Chính phủ Anh đã biết nhìn thẳng vào trọng tâm vấn đề và phản ứng thật nhanh bằng cách bơm tiền vào các ngân hàng Anh, bảo lãnh số nợ của các ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể cho nhau vay vốn trở lại. Và chỉ năm ngày sau khi kế hoạch này được loan báo, tiền đã được bơm. Các nước châu Âu khác theo gương Anh, bơm tiền vào các ngân hàng. Điều mà ông Paulson bốn tuần sau mới làm theo, bơm tiền vào các ngân hàng thay vì vào các công ty thế chấp (nguồn: NYT 12/10).
Can gián
Bốn tháng sau khi ông Bush lên ngôi, GS. Krugman đã bắt đầu can gián. Trên NYT 30/5/2001, ông đã kịch liệt chỉ trích kế hoạch cắt giảm thuế của chính quyền Bush như sau:
“Kế hoạch thuế mà Tổng thống Bush đắc thắng ký vào cuối tuần qua là rất khác thường. Nhằm che đậy các tác động của nó, các tác giả đã kéo dãn ra việc cắt giảm một số khoản thuế trong khoảng thời gian 10 năm, đặc biệt là thuế nhà đất. Một điều quái đản khác là việc đột ngột tăng thuế đánh vào các hộ có thu nhập trung bình. Theo luật mới này, “quả bóng” thuế sẽ được bơm căng, tăng từ 1,5 triệu người chịu thuế biểu mới lên đến trên 36 triệu người. Đó là những hộ khá giả song không phải giàu có, đang đóng thuế tiểu bang và địa phương rất cao rồi. Chính phủ biết rằng sẽ không thể khơi khơi cắt giảm thuế được, nhất là các khoản thuế cho giới giàu và cực giàu mà không chạm đến ngân sách, nên đã bày ra luật thuế cứ như đùa này để bù lỗ. Câu hỏi tiếp theo là: bao giờ đến lượt luật cải cách an sinh xã hội?”.
Bài báo đó gây “huyên náo” đến nỗi nó được nhắc đến trong cuộc họp báo hôm sau ở Nhà Trắng:
“- Hỏi: Kinh tế gia Paul Krugman của Đại học Princeton viết rằng: “Các nghị sĩ Thượng viện chỉ đơn giản giơ tay bỏ phiếu và rồi đến năm cuối của thời hiệu 10 năm của đạo luật, hàng trăm tỉ đôla sẽ biến mất khỏi ngân sách”. Paul Krugman gọi đạo luật này là một tội ác được bày ra bởi những kẻ gọi là trí thức, và rằng các nghị sĩ dính líu đến đạo luật này đáng bị giam ở một nơi nào đó...
- Người phát ngôn: Và họ được đăng ký đọc các bài xã luận của ông Krugman miễn phí suốt đời? Nói đùa thế thôi. Tôi chịu, không trả lời” (nguồn: White House, Press Briefing, 31/5/2001).
Hậu quả của đạo luật thuế 2001 đó nay đang hiển hiện trong những tác động khốc liệt của nó. Tất nhiên, thuế không phải là lý do duy nhất dẫn đến khủng hoảng ngày hôm nay. Trong một bài viết ngày 20/6/2003, GS. Paul Krugman lại cảnh báo về “quả bóng” chứng khoán lúc đó đang ngày ngày vượt trần:
“Thị trường chứng khoán đang thịnh vượng một cách bão táp. Những kẻ khoác lác bảo rằng nền kinh tế đang cất cánh. Song tôi lại nghĩ rằng đó là một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ vẫn cứ đang “thổi bong bóng”, các nhà đầu tư vẫn cứ quay cuồng háo hức, cho dù các vụ bê bối của các công ty kếch sù (*) vẫn chưa giải quyết xong. Trong khi thật khó tìm ra được bất cứ tin tức tốt lành nào có thể giải thích sự “bay bổng” của thị trường chứng khoán, thì các nhà đầu tư hầu như vẫn cứ tiếp tục mua cổ phiếu vào chỉ với lý do là “chúng đang lên giá”. Chỉ mỗi điều đó thôi cũng đủ để định nghĩa thế nào là “(thổi) bong bóng”.
Trước chiến tranh Iraq, người ta cho rằng nền kinh tế suy yếu là do những hốt hoảng trước chiến tranh, và dự kiến rằng sau chiến tranh kinh tế sẽ tăng mạnh nhờ giá dầu giảm do dầu hỏa sẽ tràn đầy, người tiêu dùng sẽ yên tâm mở hầu bao, các nhà kinh doanh sẽ đầu tư trở lại. Thế nhưng, nay ta vẫn cứ đang chờ đợi. Giá dầu vẫn cứ cao... Không rõ giới đầu tư có nhìn thấy được một dấu hiệu hồi phục kinh tế rõ rệt nào không, mà chẳng ai thấy, trong mớ dữ liệu hiện nay không? Thị trường không phải lúc nào cũng có lý. Thật không hữu lý chút nào khi đưa chỉ số Nasdaq lên đến 5.000 điểm, nhất là khi các cổ phiếu đó do những “tay trong” của các tập đoàn ấy bán ra. Ấy thế mà giá cổ phiếu trung bình bán ra lại lên đến “31 chấm”, cao gấp đôi những kỷ lục trước đó trong lịch sử. Rõ ràng là việc các nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán đã không dựa trên bất cứ phân tích nghiêm túc nào nhắm vào lợi nhuận thật sự của các công ty mà họ mua cổ phiếu. Một số nhà phân tích cho rằng do lãi suất thấp đến thế, nên cho dù có mua cổ phiếu với giá siêu cao cũng “ngon ăn”. Thị trường chứng khoán cứ tăng lên chỉ vì mỗi nỗi lo ngại rằng “nếu mình không mua cổ phiếu, mình sẽ mất cơ hội trúng mánh”. Làn sóng đầu cơ chứng khoán mới mẻ này chẳng dựa trên một dự báo gì, mà chỉ tự lấy của nhau nuôi nhau. Tóm lại, sự tăng vọt của thị trường chứng khoán hiện nay trông giống như một “quả bong bóng” khác nữa, và nó có thể sẽ nổ đấy”.
Trong một bài báo khác đăng trên NYT ngày 14/10/2003, GS. Krugman tiếp tục cảnh cáo: “Có một sự thâm hụt khổng lồ giữa chi và thu ở Hoa Kỳ. Cho đến lúc này, các khoản vay đang còn bù cho thâm hụt đó. Nếu vị tổng tư lệnh đất nước này cứ khăng khăng không chịu nhìn nhận rằng chúng ta đang gặp khó khăn, chúng ta sẽ phải đối diện một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ đấy. Khủng hoảng đó sẽ không đến ngay. Song sẽ có một ngày giây phút ấy sẽ đến, tạo nên một cuộc khủng hoảng tiền mặt khiến đất nước này tan tác. Lúc đó các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ chỉ biết xin lỗi, phân bua, đổ thừa thay vì đưa ra giải pháp”.
Những cảnh báo của GS. Krugman cách đây đúng bốn năm (14/10/2003 - 14/10/2008) nay xem ra hoàn toàn chính xác. Tiếc thay, chính quyền Bush đã không nghe lời can gián của ông. Trong thông điệp về tình hình liên bang ngày 28/1 năm nay đọc trước quốc hội, Tổng thống Bush đã chỉ dành cho hiện trạng kinh tế Mỹ, lúc đó đã nóng bỏng, vỏn vẹn 665 từ, trong khi ông dành đến 2.455 từ cho các cuộc chiến Afghanistan, Iraq và chống khủng bố.
Số học mà tính, chính quyền Bush vào hôm 28/1 ấy còn dốc tâm trí vào các cuộc chiến tranh của mình nhiều hơn là ưu tư cho nền kinh tế những 3,7 lần!
Hậu quả là nay, hôm thứ Ba 14/10, ông Bush một lần nữa đã phải dành trọn bài diễn văn của mình để nói về biện pháp “chữa cháy” nền kinh tế. Hôm 28/1, ông Bush vẫn còn giương cao thành quả: “Hoa Kỳ đang tiếp tục tạo thêm công ăn việc làm liên tiếp trong 52 tháng qua. Lương vẫn đang tăng. Về lâu dài, chúng ta có thể tin tưởng nơi sự tăng trưởng kinh tế. Tuần trước, chính phủ của tôi đã đạt một thỏa thuận mới với Hạ viện và Thượng viện về một “gói kích thích tăng trưởng” mạnh mẽ bao gồm giảm thuế và kích thích đầu tư kinh doanh”. Nay ông Bush chỉ còn nhắc đến có mỗi một từ ngữ: “gói giải cứu”.
Tháng 5/2005, khi tiễn ông Alan Greenspan rời chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (tương đương ngân hàng trung ương), GS. Krugman viết: “Tháng 10/2004, ông Greenspan còn đả kích những dự báo về một “bong bóng” địa ốc. Năm ngoái, ông còn khuyến khích các gia đình nên tận dụng lợi ích mà các nhà cho vay tín dụng dành cho họ qua những khoản thế chấp thuận tiện hơn là những khoản thế chấp với lãi suất cố định trước đây”... (NYT 29/5/2005).
Còn rất nhiều điều can gián của GS. Krugman. Đáng nhớ là cái nhìn của ông về khoa bảng. Trong một bài báo cách đây đúng bảy năm, ông viết: “Một tấm bằng Đại học Princeton và một cái đuôi chim công có gì chung? Cả hai đều là những vật trang trí” (NYT 14/10/2001). Bản thân ông lúc đó là giáo sư Đại học Princeton, nên có thể hiểu lý do ông tự trào: khoa bảng chỉ là hư danh nếu không dùng nó để can gián. Can gián, “hoa văn” mà nói, chính là phản biện.
* Các tập đoàn thế chấp địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac vào thời điểm đó đã “lấn cấn” rất nhiều rồi.
Danh Đức (Tuổi Trẻ)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate