Theo đó, ngày 24/6 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 12% (1 cổ phiếu được nhận về 1.200 đồng). Thời gian thanh toán 6/7/2021.
Như vậy, với hơn 1,22 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Petrolimex sẽ chi gần 1.500 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.
Tính đến 31/12/2020, Petrolimex còn 2.760 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra Công ty còn 1.297 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và 111 tỷ đồng trong quỹ khác thuộc chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần đạt 4.988 tỷ đồng.
Mới đây, Tập đoàn ENEOS Corporation, công ty mẹ của cổ đông Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy tiếp tục đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu Petrolimex từ ngày 24/5/2021 đến ngày 22/6/2021. Nếu giao dịch thành công, ENEOS Corporation sẽ tăng tỷ lệ sở hữu lên 63 triệu cổ phiếu, chiếm 4,87% vốn điều lệ tại PLX.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong bản tin mới nhất đã nâng khuyến nghị cho PLX từ mức "khả quan" lên mức "mua" do nhu cầu phục hồi, giá dầu thô cao hơn sẽ hỗ trợ lợi nhuận sau thuế năm 2021, dựa trên lợi nhuận dự phóng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 và tăng trưởng tích cực trong dài hạn, đến từ tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam đạt 5,5% mỗi năm (cao hơn khoảng 3 lần mức tăng trưởng toàn cầu). Đồng thời, mô hình dịch vụ rửa xe tự động /bảo trì xe hơi hiện dần khả thi dưới sự tư vấn của nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn ENEOS.
Đồng thời, VCSC tăng giá mục tiêu thêm khoảng 4% khi việc cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2022 và giảm dự phóng chi phí vốn chủ sở hữu thêm 50 điểm cơ bản bù đắp cho mức giảm 6%/4% trong dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021/2022 do chi phí bán hàng cao hơn.
Theo đó, VCSC kỳ vọng lợi nhuận năm 2021 của PLX tăng gấp ba lần so với năm 2020, đến từ sự phục hồi của mảng xăng dầu và mảng dầu nhiên liệu máy bay cũng như lợi nhuận mảng nhựa đường gia tăng nhờ chi tiêu cơ sở hạ tầng tăng tốc trong năm 2021. Đồng thời, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng (CAGR) EPS đạt 47% trong giai đoạn 2020-2025, sẽ được dẫn dắt bởi sự phục hồi mạnh mẽ của lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2022 và sản lượng bán tại thị trường trong nước tăng 5,0% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025.
Theo đánh giá của VCSC, PLX có năng lực tài chính mạnh với 810 triệu USD tiền mặt tại quỹ và tỷ lệ đòn bẩy ròng ở mức -7,2% tính đến cuối quý 1/2021. Ngoài ra, PLX có thể mở khóa tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn đến từ việc phát triển dịch vụ tại các trạm xăng dầu cũng như mảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
PLX hiện giao dịch tại P/E năm 2021 là 23,9 lần và P/E năm 2022 là 16,1 lần – thấp hơn so với P/E năm 2021 là 27,6 lần của công ty cùng ngành có mô hình kinh doanh tương đồng nhất, PTT Oil Retail and Business (theo Bloomberg).
VCSC cho rằng yếu tố hỗ trợ là lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh từ thoái vốn khỏi PG Bank trong năm 2021, bên cạnh đó thì rủi ro là giá dầu thô biến động dẫn đến chênh lệch giá đầu vào-đầu ra kém thuận lợi.
Kết thúc giao dịch ngày 19/5, cổ phiếu PLX tăng nhẹ lên 54.200 đồng/cổ phiếu.