Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer có kế hoạch trong vòng 1 tháng tới đây sẽ xin cấp phép mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 của hãng, do có bằng chứng về nguy cơ nhiễm virus gia tăng từ thời điểm 6 tháng sau khi tiêm đầy đủ và do sự lan rộng của biến chủng Delta.
Theo tin từ Reuters, Giám đốc khoa học của Pfizer, ông Mikael Dolsten, ngày 8/7 nói rằng thông tin gần đây về sự suy giảm hiệu quả vaccine Pfizer ở Israel chủ yếu là do sự nhiễm bệnh của một số người được tiêm vào tháng 1 hoặc tháng 2. Bộ Y tế Israel cho biết hiệu quả của vaccine Pfizer trong việc chống lại sự lây nhiễm và làm suy yếu các triệu chứng đã giảm xuống còn 64% trong tháng 6.
Thử nghiệm lâm sàng của Pfizer và đối tác Đức BioNTech vào năm ngoái cho thấy vaccine do hai công ty này phối hợp sản xuất đạt hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 có triệu chứng.
“Vaccine Pfizer có hiệu quả cao trong việc chống lại biến chủng Delta”, ông Dolsten nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng sau 6 tháng, người đã tiêm đủ hai mũi vẫn “có nguy cơ bị nhiễm bệnh vì mức kháng thể giảm xuống, đúng như những gì đã được dự báo”.
Pfizer dự kiến vaccine Covid-19 sẽ là một nguồn doanh thu quan trọng của hãng trong nhiều năm tới. Hãng dự báo thu về 26 tỷ USD từ việc bán vaccine này trong năm nay. Theo dữ liệu của IQVIA Holdings, từ nay đến năm 2025, thế giới có thể chi tổng cộng 158 tỷ USD cho vaccine Covid-19 và mũi tiêm nhắc lại.
Pfizer chưa công bố đầy đủ dữ liệu về những phát hiện ở Israel, nhưng cho biết sẽ sớm công bố.
“Đó là một bộ dữ liệu nhỏ, nhưng tôi rằng xu hướng phản ánh trong đó là chính xác: sau 6 tháng, với biến chủng Delta là loại có khả năng lây lan nhanh nhất mà chúng ta từng chứng kiến, người đã tiêm vẫn có thể bị nhiễm bệnh ở thể nhẹ”, ông Dolsten nói.
Cũng theo ông Dolsten, dữ liệu của Pfizer ở Mỹ cho thấy sự suy giảm hiệu quả của vaccine ở những người ngoài 80 tuổi sau khi tiêm 6 tháng, đối với những biến chủ chủ đạo ở Mỹ trong mùa xuân năm nay.
Ông nhấn mạnh rằng dữ liệu từ Israel và Anh cho thấy ngay cả khi mức kháng thể suy giảm, vaccine Pfizer vẫn có hiệu quả khoảng 95% trong việc chống lại những triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19.
Theo ông Dolsten, dữ liệu ban đầu từ nghiên cứu do Pfizer thực hiện cho thấy liều tiêm thứ ba sẽ tạo ra mức kháng thể cao gấp 5-10 lần so với liều thứ hai. Điều này cho thấy việc tiêm nhắc lại sau 2 mũi đầu tiên sẽ mang lại sự bảo vệ đầy hứa hẹn.
Ông Dolsten cũng cho biết nhiều nước châu Âu và một số quốc gia khác đã tiếp cận Pfizer để bàn về mũi tiêm nhắc lại. Thậm chí, một số nước có thể bắt đầu việc tiêm nhắc lại trước khi Mỹ tính chuyện phê chuẩn mũi tiêm như vậy. Vị Giám đốc khoa học tin rằng việc tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng đối với những người cao tuổi.
Pfizer dự kiến vaccine Covid-19 sẽ là một nguồn doanh thu quan trọng của hãng trong nhiều năm tới. Hãng dự báo thu về 26 tỷ USD từ việc bán vaccine này trong năm nay. Theo dữ liệu của IQVIA Holdings, từ nay đến năm 2025, thế giới có thể chi tổng cộng 158 tỷ USD cho vaccine Covid-19 và mũi tiêm nhắc lại.
Việc tiêm nhắc lại sẽ làm gia tăng nhu cầu vaccine Covid-19, trong lúc thế giới vẫn đang thiếu vaccine. Bởi vậy, ông Dolsten cho biết Pfizer đang tính cách tăng sản lượng. Hãng đã đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều vaccine Covid-19 trong năm nay và 4 tỷ liều trong năm tới. Hiện chưa rõ Pfizer có thể tăng sản lượng thêm bao nhiêu, nhưng ông Dolsten nói “chúng tôi có thể sản xuất thêm hàng tỷ liều nữa trong năm 2022”.
Trước đây, Pfizer đã từng nói về sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại, nhưng một số nhà khoa học đã đặt câu hỏi về việc khi nào thì cần tiêm nhắc lại, hoặc liệu mũi tiêm đó có thực sự cần thiết hay không.
Ông Dolsten cũng cho biết Pfizer và BioNTech đang bào chế một phiên bản vaccine mới để chống lại biến chủng Delta. Tuy nhiên, ông cũng nói Pfizer/BioNTech không cho rằng phiên bản vaccine hiện tại cần được thay thể để chống lại biến chủng này.