Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Có thể nói, công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực đầy tiềm năng và cơ hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
“CHÍNH SÁCH THU HÚT ĐẦU TƯ CỦA CHÚNG TA CÓ PHẦN QUÁ HIỀN LÀNH”
Chia sẻ tại tọa đàm “Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội”, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng các công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bán dẫn, đang ngày càng quan trọng và quyết định. Tuy nhiên, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy thực tế này chưa được nhận thức mạnh mẽ”.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mặc dù không chuyên về công nghệ bán dẫn, nhưng khi phân tích các chiến lược và vấn đề cạnh tranh quốc tế, ông nhận thấy đây là vấn đề sống còn. “Vì chúng ta đi sau, nên vấn đề này càng trở nên sống còn hơn và cần phải được đặt ra một cách quyết liệt hơn. Dù vậy, chúng ta vẫn đang tư duy một cách khá thong thả”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói.
“Về các chính sách thu hút đầu tư, tôi nghĩ cách tiếp cận hiện tại của chúng ta có phần quá hiền lành. Chúng ta muốn có những giải pháp tốt hơn so với những lĩnh vực khác và tốt hơn so với trước đây, để thu hút các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều đó là không đủ”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói.
Ông cho rằng đây là một cuộc đua toàn cầu, cuộc đua khốc liệt, trong đó các giải pháp chính sách không chỉ đơn thuần là so sánh ta với chính ta, không phải là so giữa Hà Nội và Hải Dương, thậm chí không phải là so Hà Nội và Đà Nẵng, mà đây là một cuộc đua với thế giới, với toàn cầu.
Chính vì vậy, nếu chính sách của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội - địa phương dẫn đầu của cả nước - không vượt trội so với toàn cầu, thì sẽ rất khó để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Theo ông, để thu hút đầu tư, cách tiếp cận vấn đề phải khốc liệt hơn.
PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Chúng ta có lợi thế khi đi sau, có thể học hỏi từ kinh nghiệm của thế giới, nhưng đồng thời cần phải có một cách tiếp cận khác biệt rõ rệt so với trước đây. Bởi vì, cách tiếp cận từ xưa đến nay không đủ để đáp ứng yêu cầu của một cuộc chơi thay đổi thời đại. Đây không chỉ là thay đổi Việt Nam, mà là thay đổi thời đại và cạnh tranh toàn cầu”.
Khi xây dựng chính sách, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng phải thảo luận về nền tảng để có cách tiếp cận chính sách hiệu quả. Trên cơ sở đó, mới có thể bàn về các chính sách cụ thể.
“Nếu chúng ta xuất phát từ chính sách phát triển các ngành công nghiệp như cơ khí hay dệt may, rồi chỉ cải tiến một chút, nâng cấp một chút rồi để hỗ trợ cao hơn một chút cho ngành công nghiệp bán dẫn, thì tôi cho rằng cách tiếp cận đó chắc chắn sẽ thất bại”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói.
“Nếu chúng ta xuất phát từ chính sách phát triển các ngành công nghiệp như cơ khí hay dệt may, rồi chỉ cải tiến một tí, nâng cấp một tí rồi để hỗ trợ cao hơn một tí cho ngành công nghiệp bán dẫn, thì tôi cho rằng cách tiếp cận đó chắc chắn sẽ thất bại”
Hơn thế nữa, ông Trần Đình Thiên cho rằng hiện nay, Việt Nam đang ở một tình thế khác. “Chúng ta không phải đang từ vị thế vĩ đại mà nhảy sang một bước tiến mới theo tuần tự. Thay vào đó, chúng ta phải đi từ công nghiệp cơ khí cổ điển còn chưa hoàn thiện sang công nghiệp bán dẫn. Thứ hai, chúng ta vẫn đang trong thời đại “nâu” và cần chuyển sang thời đại “xanh”.
PHẢI Ở TÂM THẾ CẠNH TRANH TOÀN CẦU KHI BÀN VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN BÁN DẪN
Kinh tế số và kinh tế xanh đang khẳng định một kỷ nguyên hoàn toàn mới của loài người. Thời đại gắn với AI là một thời đại khác biệt, mang đến một logic hoàn toàn mới, không phải là sự tiến triển tuần tự hay theo hứng khởi. Đây là một cú nhảy vọt bất thường, thay đổi toàn bộ cục diện.
Hiện nay, trên phương diện toàn cầu, kinh tế số và kinh tế xanh không còn là sự lựa chọn mà là điều bắt buộc. Không ai có thể chọn không tham gia, bởi vì đây là vấn đề bắt buộc, là xu hướng tất yếu cho tất cả mọi người.
Tại Tọa đàm, PGS. TS Trần Đình Thiên đã đặt vấn đề Việt Nam sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn như thế nào?
“Liệu chúng ta nên thay đổi từng bước theo tư thế cổ điển, hay phải thực hiện một bước nhảy vọt? Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể mãi theo logic cũ và sẽ còn lâu mới thoát khỏi tình trạng địa phương hóa, lạc hậu. Điều này sẽ khiến chúng ta khó đạt được mục tiêu trở thành một thực thể mạnh mẽ trong ngành công nghiệp bán dẫn”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói.
Bởi vậy, theo PGS. TS Trần Đình Thiên, tình thế hiện nay phải được đặt trong bối cảnh cuộc đua tranh toàn cầu, chứ không phải là giải quyết vấn đề phát triển từ góc độ nội bộ. Tâm thế phải là đua tranh và cạnh tranh toàn cầu, các nguyên lý đã thay đổi rất nhiều so với trước đây.
Ví dụ, bây giờ nếu không tham gia vào các chuỗi-mạng toàn cầu thì khó có thể nhập cuộc. Hoặc nếu không có mạng lưới kết nối, Việt Nam khó có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần phải tham gia vào chuỗi-mạng này như thế nào? Tham gia với tư cách đi theo, ăn theo hay là dẫn dắt, trở thành một nhân vật không thể thay thế?
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, vai trò của Nhà nước trong những câu chuyện này cũng vô cùng quan trọng. Thế nhưng, chính sách ở Việt Nam rất nhiều, đôi khi quá nhiều và chồng chéo, thậm chí xung đột với nhau.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng chúng ta nên nói về nền tảng và định hướng chính sách cần thiết trong điều kiện hiện nay. Ví dụ, chuỗi cung ứng bán dẫn hiện tại được định hình bởi những "tay chơi khổng lồ" trong tất cả các lĩnh vực trên thế giới. Vậy thì họ cần gì và họ mong đợi chính sách gì? Ngoài ra, cuộc cạnh tranh toàn cầu là cuộc cạnh tranh với những đối thủ lớn nhất, những người quyết tâm đứng đầu thế giới.
Với tâm thế như vậy, PGS. TS Trần Đình Thiên khẳng định Việt Nam sẽ có thể đặt ra những chính sách phù hợp và hiệu quả.
“Chính sách cần phải tạo ra sự khác biệt, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư lớn và đảm bảo Việt Nam có thể cạnh tranh toàn cầu”, ông nói.