Hãng ôtô lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM) đang đối mặt nguy cơ phá sản lớn hơn bao giờ hết.
Vào ngày 30/3 vừa qua, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, phá sản có thể là lựa chọn tốt nhất cho GM, đồng thời cho GM một cơ hội cuối cùng là 60 ngày để tái cơ cấu với nguồn tài chính từ ngân quỹ liên bang.
Hiện GM đang nỗ lực trong tuyệt vọng để thuyết phục các chủ nợ, bao gồm trái chủ, liên đoàn lao động, công nhân nghỉ hưu, các nhà cung cấp và phân phối giảm bớt nợ cho hãng để hãng có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiên nay. Nếu sau thời hạn 60 ngày trên, GM không thể tái cơ cấu thành công, rất có thể hãng sẽ buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản, theo đó, GM sẽ được phép phá hợp đồng và rũ bỏ nợ nần.
Tương tự, “người hàng xóm” của GM là Chrysler được cho 30 ngày để tái cơ cấu, và bị buộc phải sáp nhập với hãng xe Italy Fiat.
Nếu GM công bố phá sản, đây sẽ là một sự kiện hiếm gặp. Từ năm 1980 tới nay, mới chỉ có 36 công ty đại chúng ở Mỹ có tài sản từ 10 tỷ USD trở lên lâm vào tình cảnh này. Khoảng 2/3 số công ty lớn sau khi phá sản đã trở thành những doanh nghiệp độc lập, nhưng với quy mô chỉ bằng một nửa trước đó.
Đối với các doanh nghiệp Mỹ, phá sản không có nghĩa là tất cả chấm hết. Dưới đây là 3 trong số những vụ phá sản công ty đại chúng được xem là điển hình nhất ở Mỹ từ trước tới nay:
Kmart - một trong những hãng bán lẻ giá rẻ đầu tiên ở Mỹ - nộp đơn xin phá sản vào tháng 1/2002 sau khi doanh số và lợi nhuận sụt giảm, khiến công ty rơi vào tình trạng kẹt tiền mặt nghiêm trọng. Trái phiếu doanh nghiệp do Kmart phát hành không còn bán được nữa, trong khi các nhà cung cấp lưỡng lự giao hàng nhận tiền sau. Kmart coi suy thoái kinh tế Mỹ năm 2001 và sự cạnh tranh của các đối thủ khác là lý do dẫn tới khó khăn của hãng, nhưng trên thực tế là hãng không có đủ sức hấp dẫn với người tiêu dùng.
Trong quá trình phá sản, Kmart đóng cửa hàng trăm trong số khoảng 2.000 cửa hàng của mình - một hoạt động thường gặp trong trường hợp phá sản của các hãng bán lẻ. Bên cạnh đó, hãng còn cắt giảm việc làm, hợp nhất các văn phòng và thanh lý hàng tồn kho.
Một nhà đầu tư là Eddie Lampert nhận thấy giá trị hấp dẫn ở nhiều tài sản bất động sản của công ty này nên đẩy mạnh mua vào trái phiếu của hãng. Sau khi Kmart hoàn tất quá trình phá sản kéo dài 455 ngày, Lampert trở thành chủ tịch của hãng. Ở vai trò này, Lampert đã bán phần lớn những tài sản bất động sản có giá trị nhất của Kmart, và sau đó, sáp nhập Kmart với hãng bán lẻ Sears.
Hãng hàng không Continental Airlines của Mỹ thì từng phá sản tới 2 lần, vào các năm 1983 và 1990. Đầu thập niên 1980, do phải đối mặt với suy thoái và sự nới lỏng giám sát trong ngành hàng không Mỹ, Continental rơi vào một cuộc chiến với các tổ chức công đoàn trong chuyện giảm tiền công và buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Với động thái pháp lý này, công ty có ưu thế hơn trong việc đàm phán, và sau đó từ bỏ các thỏa thuận với giới công đoàn. Về sau, luật phá sản Mỹ được điều chỉnh, khiến các công ty khó phá bỏ thỏa thuận với giới công đoàn hơn. Một phần nguyên nhân dẫn tới sự điều chỉnh này chính là do vụ phá sản của Continental.
Vào năm 1990, Continental lại phá sản tiếp lần nữa. Tuy nhiên, lần này, hãng phá sản vì những lý do khác. Giá nhiên liệu tăng cao cộng với nợ nần chồng chất vì chiến lược mua lại - “tác phẩm” của vị Chủ tịch đã phá vỡ thỏa thuận với công đoàn cách đó gần 1 thập kỷ - đã khiến Continental không còn lựa chọn nào khác. Vài tháng sau khi nỗ lực hết sức để thoát nguy cơ phá sản, chẳng hạn bán một số tuyến bay quốc tế cho hãng Delta, không đem lại kết quả, Continental lại nộp đơn lên tòa án.
Phá sản giúp Continental tiếp tục hoạt động, một phần do tòa án buộc các hãng hàng không là đối tác của Continental duy trì thực hiện nghĩa vụ đối với hãng hàng không này, trong khi Continental có thể từ chối thanh toán cho các chủ nợ. Hai năm rưỡi sau khi phá sản, Continental trở thành một hãng hàng không độc lập và hiện là hãng hàng không lớn thứ 9 trên thế giới.
Một vụ phá sản doanh nghiệp đại chúng của Mỹ nữa cần nhắc tới là vụ phá sản của hãng thời trang Fruit of the Loom. Sau khi mua lại công ty này vào năm 1985, doanh nhân Bill Farley đã xây dựng nên một hãng sản xuất đồ bơi và áo sơ mi có doanh số 2 tỷ USD mỗi năm.
Vào cuối thập niên 1990, đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ nước ngoài, Fruit chuyển nhà máy tới những quốc gia như Morocco hay Mexico và đăng ký kinh doanh ở Cayman Island để giảm thiểu thuế. Tuy nhiên, quá trình này đã mắc phải nhiều sai lầm. Tới năm 1999, Farley trở thành đối tượng cho các vụ kiện tụng của cổ đông và bị đẩy ra khỏi công ty. 4 tháng sau đó, Fruit of the Loom phá sản.
Khi Fruit of the Loom hãng còn đang trong quá trình phá sản, tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã mua lại công ty này. Các cổ đông cũ của Fruit of the Loom không nhận được đồng nào - một kết quả thường gặp trong các vụ phá sản. Các chủ nợ cho vay có thế chấp của hãng nhận được 92,5% tiền thu về từ vụ bán lại, trong khi các chủ nợ cho vay không có thế chấp nhận được 7,5% số còn lại.
Hiện Fruit vẫn đang hoạt động với tư cách là một bộ phận độc lập trong Berkshire.
(Theo Time)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate