Hội thảo "Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kiến nghị", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức ngày 14/7/2025. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế.
VƯỚNG MẮC NHIỀU NHẤT TỪ CÁC NGHỊ ĐỊNH
Phát biểu khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, cho rằng việc rà soát và tháo gỡ khó khăn do quy định pháp luật gây ra không phải là việc mới. Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ ngành đã nhiều lần tiến hành sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh. Qua đó đã giúp giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội rất nhiều.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thẳng thắn nhận định hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ và còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, thậm chí còn mâu thuẫn.
Trong quá trình rà soát VCCI nhận được nhiều phản ánh từ doanh nghiệp về các quy định gây khó khăn nằm ở rất nhiều các văn bản và rất nhiều các lĩnh vực khác nhau.
“Có những quy định đã tồn tại gần 20 năm nhưng không còn phù hợp. Cũng có những quy định mới ban hành trong năm 2025 nhưng đã phát sinh nhiều bất cập trong quá trình áp dụng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đơn cử năm 2024, VCCI đã thực hiện một nghiên cứu về quy trình thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất, thì thấy rất nhiều những vướng mắc, những quy định, những quy trình kéo dài làm giảm động lực đầu tư và chậm việc tiến độ triển khai. Ngay cả trong những lĩnh vực hiện nay chúng ta khuyến khích như năng lượng tái tạo hay bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ… các quy định hiện nay vẫn tồn tại nhiều khó khăn khiến nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ.
Phân tích chi tiết hơn, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban pháp chế VCCI cho biết VCCI đã chủ động thu thập ý kiến từ doanh nghiệp và nhận diện hơn 220 vướng mắc pháp lý cả về nội dung quy định lẫn quá trình thực thi.
Những vướng mắc đến từ luật, nghị định, thông tư, trong đó nhiều nhất liên quan đến nghị định từ rất lâu, các quy định cứng nhắc làm tăng chi phí và hạn chế kinh doanh (ví dụ: trần khuyến mãi 50% trong Luật Thương mại năm 2005), dù doanh nghiệp phản ánh nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi.
Đáng lưu ý, những vướng mắc chủ yếu đến từ thủ tục hành chính chưa thuận lợi: không rõ ràng, cụ thể, không có quy định hướng dẫn. Chẳng hạn như Luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động ban hành từ năm 2015 có quy định doanh nghiệp phải khai báo nếu đưa vào sử dụng hoặc thải bỏ những thiết bị nghiêm ngặt về an toàn lao động. Nhưng Nghị định lại chỉ hướng dẫn về thủ tục đưa vào sử dụng, còn thủ tục hướng dẫn về thải bỏ lại không. Điều này gây vướng cho doanh nghiệp, không biết sẽ thực hiện thủ tục như thế nào.
Ngoài ra nhiều quy định chung chung, không có quy chuẩn kỹ thuật cụ thể, khiến doanh nghiệp phải chờ đợi vô định (ví dụ: tiêu chuẩn tái sử dụng nước thải). Các quy định về dự án đầu tư có sử dụng đất được ví như "ma trận" vì các luật chồng chéo.
QUYẾT LIỆT XỬ LÝ CÁC BẤT CẬP PHÁP LÝ ĐANG CẢN TRỞ SỰ PHÁT TRIỂN
Ông Tuấn nhấn mạnh việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý vừa là nhu cầu cấp thiết, vừa là một thách thức to lớn. Đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tư pháp, trong bối cảnh yêu cầu cải cách ngày càng quyết liệt.
Theo ông Tuấn, Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo ra niềm tin và kỳ vọng mới cho cộng đồng doanh nghiệp về một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và khả thi - vốn được xem là động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Đây là một nghị quyết có ý nghĩa rất lớn, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng và quyết tâm mạnh mẽ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nghị quyết đã nhấn mạnh: công tác xây dựng pháp luật phải gắn với thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời nghị quyết cũng đề ra mục tiêu rất cụ thể và rất là tham vọng là đến năm 2025 phải cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những điểm nghẽn do quy định pháp luật gây ra. Đây là mục tiêu thể hiện sự quyết liệt của Đảng trong việc xử lý các bất cập pháp lý đang cản trở sự phát triển.
Cùng với việc ban hành Nghị quyết, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế pháp luật. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch rà soát và tháo gỡ các vướng mắc pháp luật, phân công rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan.
“Những bước đi này thể hiện sự quyết tâm và đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong việc cải cách thể chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật kinh doanh. Mục tiêu là xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng thừa nhận rằng các nỗ lực rà soát trước đây thường gặp khó khăn do cơ chế cần đồng thuận và tâm lý phòng thủ của các bộ, ngành. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã hoàn toàn khác.

Thứ trưởng nhấn mạnh Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra một "mệnh lệnh chính trị" chứ không đơn thuần là mục tiêu phải cơ bản giải quyết các khó khăn, vướng mắc pháp lý trước năm 2025 để tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng hai con số từ năm 2026.
Đặc biệt, trong phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế về pháp luật (Ban chỉ đạo 66), Tổng Bí thư Tô Lâm (Trưởng ban) đã nhắc lại và yêu cầu cơ bản trong năm 2025 phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
“Chính vì vậy trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiến hành tổ chức rà soát để nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Tú cho biết.
Để hiện thực hóa mệnh lệnh này, Quốc hội đã ban hành một cơ chế đặc biệt, cho phép xử lý các vấn đề pháp lý một cách nhanh chóng và linh hoạt. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung vào ba loại "điểm nghẽn" chính: các quy định mâu thuẫn, chồng chéo; các quy định không rõ ràng, không khả thi; và các quy định tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ hoặc cản trở đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, 4 phương án xử lý đột phá đã được Quốc hội thông qua, gồm: Giải thích pháp luật, làm rõ những điều luật còn mơ hồ; hướng dẫn áp dụng thống nhất đảm bảo các nghị định, thông tư được hiểu và thực thi đồng bộ; sửa đổi theo trình tự rút gọn, đẩy nhanh quá trình sửa đổi các văn bản cần thiết; cơ chế thí điểm đặc biệt - đây là công cụ mạnh mẽ nhất, cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết để thí điểm các chính sách mới, kể cả những chính sách khác với luật hiện hành. Cơ chế này là sự ủy quyền đặc biệt của Quốc hội, giúp Chính phủ có thể phản ứng nhanh trước các yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Thứ trưởng Tú kêu gọi các doanh nghiệp tập trung nhận diện những vấn đề mang tính hệ thống, ảnh hưởng đến số đông, thay vì các vụ việc đơn lẻ. Ông cũng thông tin về kế hoạch sửa đổi toàn diện một loạt luật "xương sống" của nền kinh tế như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản... trong thời gian tới.