Hoạt động phát hành cổ phiếu ở Ấn Độ thời gian gần đây tăng mạnh khi các doanh nghiệp đang tranh thủ đà đi lên của thị trường cũng như dòng tiền đầu tư dồi dào, bất chấp việc một số quỹ nước ngoài bắt đầu quan ngại rằng cổ phiếu tại quốc gia Nam Á đang được định giá quá cao.
Theo dữ liệu từ công ty Dealogic, từ tháng 1 đến tháng 6/2024, doanh nghiệp Ấn Độ huy động được hơn 28 tỷ USD thông qua phát hành cổ phiếu – con số lớn nhất trong giai đoạn nửa đầu năm từ trước đến nay và tăng 198% so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, phát hành cổ phiếu tại phần còn lại của khu vực châu Á – không tính Nhật Bản – giảm 32%.
Hoạt động phát hành cổ phiếu diễn ra sôi động ở Ấn Độ một phần được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ cả nền kinh tế nước này cũng như đồng nội tệ ổn định và lợi nhuận cao của các doanh nghiệp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ năm nay là 6,8%.
Một nguyên nhân khác có thể kể đến là việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc – thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh những năm gần đây. Trong 3 năm qua, chỉ số MSCI Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn so với chỉ số MSCI Ấn Độ khoảng 61 điểm phần trăm.
“Động lực thị trường, nhu cầu, tất cả đều rất mạnh”, ông Arvind Vashistha, giám đốc phụ trách thị trường vốn đầu tư cổ phần Ấn Độ tại ngân hàng Citigroup, nhận xét về thị trường chứng khoán Ấn Độ.
“Chúng tôi đã nghe nhiều nguồi nói rằng ‘chúng tôi muốn nhiều hơn nữa’”, ông Vashistha đề cập tới việc nhà đầu tư mong muốn có thêm nhiều cổ phiếu phát hành mới. “Chúng tôi cho rằng nhu cầu này sẽ chưa hạ nhiệt trong năm nay và năm 2025”.
Khoảng hơn 75% lượng cổ phiếu phát hành tại Ấn Độ trong nửa đầu năm nay là chào bán cổ phiếu ra thị trường lần hai (secondary offering), trong bối cảnh các công ty đa quốc gia, nhà sáng lập doanh nghiệp Ấn Độ muốn huy động thêm vốn khi giá cổ phiếu tăng mạnh sau IPO (chà bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Năm nay, nhiều thương vụ chào bán cổ phiếu lớn dự kiến sẽ diễn ra, bao gồm đợt phát hành của chi nhánh Ấn Độ của công ty Hàn Quốc Hyundai Motors, dự kiến huy động tối đa 3 tỷ USD. Công ty giao đồ ăn Swiggy cũng đã nộp hồ sơ IPO nhằm huy động 1,3 tỷ USD. Còn công ty sản xuất scooter điện Ola Electric cũng đã được nhà chức trách phê duyệt IPO với mục tiêu huy động 660 triệu USD.
“Ấn Độ là một trụ cột quan trọng trong hoạt động phát hành chúng khoán trong khu vực”, ông Edward Byun, đồng giám đốc phụ trách khu vực châu Á không gồm Nhật của Goldman Sachs tại Hồng Kông nhận xét.
Một động lực chính trên thị trường chứng khoán Ấn Độ là hàng triệu nhà đầu tư trong nước có xu hướng dồn tiền tiết kiệm vào cổ phiếu thay vì các kênh truyền thống như vàng hay bất động sản.
Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ tài chính Motilal Oswal có trụ sở tại Mumbai, kể từ tháng 3/2020, tổng giá trị tài sản đang quản lý của các quỹ tương hỗ ở Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần lên 27,7 nghìn tỷ rupee (tương đương 332 tỷ USD).
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra thận trọng trước định giá cao của chứng khoán Ấn Độ. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy chỉ số BSE Sensex theo dõi 30 cổ phiếu lớn nhất trên sàn chứng khoán Bombay của Ấn Độ, hiện giao dịch ở mức gấp 25 lần so với lợi nhuận dự phóng (forward earning) – mức cao hàng đầu ở châu Á.
Một số nhà đầu tư cũng lo ngại về lượng cổ phiếu khổng lồ được tung ra thị trường cũng như mức tăng trưởng không cao của nhiều cổ phiếu mới phát hành. Theo dữ liệu từ Dealogic, trong những ngày giao dịch đầu tiên, giá các cổ phiếu Ấn Độ tăng bình quân 25,4% so với giá IPO, thấp hơn so với mức 52% bình quân toàn cầu. Trong khi đó, mức tăng của các cổ phiếu chào bán lần hai tăng 2,2%, thấp hơn so với mức 10% toàn cầu.
Từ đầu năm tới nay, dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vào thị trường chứng khoán Ấn Độ đã chững lại.
“Đã xuất hiện tâm lý lo lắng. Thị trường chứng khoán Ấn Độ chưa từng chứng kiến lượng phát hành lớn như vậy từ trước đến nay, cùng với đó là mức định giá của các cổ phiếu đang ở gần mức kỷ lục mọi thời đại”, một ngân hàng đầ tư nhận định.
“Nifty 50 – chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSE) – đã tăng gấp hơn 3 lần trong thập kỷ qua. Dự báo sẽ có sự điều chỉnh ở mức độ nào đó”, ông Perris Lee, giám đốc phục trách khu vực thị trường chứng khoán châu Á tại ION Analytics, nhận định. “Nhưng điều đó không cản trở sự tăng trưởng và trưởng thành của thị trường, miễn là nền kinh tế tiếp tục đi đúng hướng”.
Trong khi đó, ông Rajiv Jain, giám đốc đầu tư của GQG Partners (Mỹ) – quỹ đang nắm hơn 20 tỷ USD cổ phiếu Ấn Độ, cho rằng nhà đầu tư khó có thể đứng ngoài Ấn Độ bởi quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường này.