VBMA cho biết trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm được phát hành nhiều nhất với giá trị lần lượt 29.923 tỷ và 24.716 tỷ đồng, chiếm khoảng 75,1% tổng giá trị kể từ đầu năm. Trái phiếu 5 năm xếp thứ 3 với 14.750 tỷ đồng.
Còn theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong 3 tuần đầu tháng 3, Kho bạc Nhà nước chào bán 37.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ nhưng chỉ có 25.095 tỷ đồng được huy động, tỷ lệ 68% khá thấp so với tháng trước.
Vào ngày 4/3, Kho bạc Nhà nước thông báo kế hoạch đấu thầuTrái phiếu Chính phủ cho năm 2024 là 400 nghìn tỷ đồng và theo từng kỳ hạn. Trong đó, hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm có kế hoạch dự kiến phát hành trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng giá trị lần lượt là 100 nghìn tỷ đồng và 140 nghìn tỷ đồng. Như vậy, với 72.774 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ đã huy động được từ đầu năm tới 20/3, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành được 18% kế hoạch năm 2024.
Trong tuần cuối cùng của tháng 3 (từ 25/03 - 29/03/2024), Kho bạc Nhà nước sẽ gọi thầu 13.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ , ở các kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ), 7 năm (2.000 tỷ), 10 năm (5.000 tỷ), 15 năm (4.500 tỷ), và 20 năm (500 tỷ).
Mức lợi suất trúng thầu của các trái phiếu cho thấy đã quay lại xu hướng tăng, mặc dù chỉ là mức tăng nhẹ. Trong đó, lợi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,39%/năm và 2,59%/năm; lợi suất kỳ hạn 5 năm cũng tăng nhẹ 4 điểm cơ bản lên mức 1,47%/năm.
Theo MBS, giao dịch trên thị Trái phiếu Chính phủ thứ cấp sôi động trở lại trong tháng 3 với giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với tháng trước. Trong đó, giao dịch outright chiếm 66% khối lượng trong kỳ với hơn 98 nghìn tỷ đồng. Bình quân giao dịch 7 nghìn tỷ đồng/ngày, tăng 27% so với bình quân tháng trước. Giá trị giao dịch repos bình quân giảm 5% so với tháng trước, với giá trị giao dịch lên tới 3.6 nghìn tỷ đồng/ngày. Từ đầu năm đến 20/3, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 147 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ .