Thông tin được chia sẻ tại buổi họp báo chiều ngày 7/12/2023 do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của bộ, ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 11/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Về công tác xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực tần số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công tác thanh kiểm tra các đối tượng sử dụng tần số vô tuyến điện tiếp tục được triển khai nhằm đảm bảo sự chấp hành các quy định pháp luật về tần số.
Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện một số vụ vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện như không có giấy phép, sử dụng thiết bị vô tuyến điện không đúng quy định trong giấy phép...
Trong tháng 11/2023, đã xử lý 40 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Đặc biệt, ngày 6/12, cơ quan chức năng đã phát hiện 1 vụ cá nhân thực hiện hành vi dùng xe máy chở thiết bị BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực báo chí- phát thanh truyền hình, ngày 28/11/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty WPP do có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo tại kênh có nội dung vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, ngày 6/12/2023, Bộ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần VNG do cung cấp dịch vụ 6 trò chơi điện tử G1, bao gồm: Tú lơ khơ, Poker Việt Nam, Crazy Tiến lên, Tiến lên miền Nam, Cờ cá ngựa, Cờ tướng không đúng với nội dung kịch bản đã được phê duyệt.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến số 03/QĐ-TCTT ngày 16/1/2009 do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp cho Công ty Cổ phần VNG hai tháng đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này.
Về công tác rà quét, phát hiện và cảnh báo an toàn thông tin mạng, trong tháng 11/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) đã rà soát và ghi nhận 47 website bị chèn nội dung quảng cáo (18 website thuộc 7 Bộ/ Ngành, 29 website thuộc 13 tỉnh/thành phố), đã gửi cảnh báo đến các đơn vị chủ quản để xử lý.
Liên quan đến công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong tháng 11/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 246 bài viết vi phạm; gỡ bỏ 6 tài khoản giả mạo và 66 nhóm (group) vi phạm với số lượng thành viên lên đến hơn 200 nghìn người; gỡ 17 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn trái phép (tỷ lệ 90%).
Google đã gỡ 262 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 96%); gỡ 03 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước chứa hơn 11.366 video. TikTok đã chặn gỡ 12 nội dung vi phạm (tỷ lệ 92%), xóa 10 tài khoản có nội dung vi phạm.