September 17, 2018 | 21:25 GMT+7

Phát hiện hàng loạt sai phạm khi cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn

Nguyên Hà

Việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được phê duyệt

Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi 75,01 cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn về cho nhà nước.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi 75,01 cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn về cho nhà nước.

Ngày 17/9, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Theo thông báo kết luận do Phó tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam ký, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã được phê duyệt, trong đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ, sau đó tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, và việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là trái quy định, không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Việc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ; sau đó, lại tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khi đề xuất chuyển nhượng hết 49% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung, giải trình những nội dung quan trọng mà Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra về kinh tế - an ninh - quốc phòng hiện tại và lâu dài cần phải được làm rõ khi đề nghị Thủ tướng cho bán hết 49% vốn nhà nước.

Vinalines cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, đánh giá về vai trò, tiềm năng của Cảng Quy Nhơn, lợi ích hiện tại và lâu dài của việc sở hữu 49% vốn so với việc bán hết và đề nghị được duy trì tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn.

"Tuy nhiên Bộ Giao thông Vận tải đã không xem xét, đánh giá toàn diện những nội dung Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Vinalines đã nêu mà tiếp tục có văn bản số 9210/BGTVT-QLDN ngày 05/9/2014 đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là thiếu căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và đại diện chủ sở hữu đối với Vinalines", Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Tiếp đó, mặc dù đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nhưng Văn phòng Chính phủ vẫn trình Phó thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước là không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Văn phòng Chính phủ đã tham mưu một số nội dung sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, không đúng quy định, làm hạn chế việc cổ phiếu Cảng Quy Nhơn hướng tới giá thị trường, công khai, minh bạch.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc xây dựng, phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn đã không cụ thể điều kiện, tính chất ngành nghề kinh doanh cảng biển. Thực tế, Công ty Hợp Thành đã được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược nhưng thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển.

Mặt khác, cam kết của Công ty Hợp Thành chỉ nêu hỗ trợ công ty cổ phần trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không cụ thể nội dung hỗ trợ theo quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng chỉ ra một số sai phạm khác như việc UBND tỉnh Bình Định cho Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn quản lý, sử dụng 281.834,8 m2 đất là  không đúng quy định.  Việc giao đất, việc đầu tư mở rộng cảng, chọn nhà đầu tư chiến lược, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, xác định giá trị doanh nghiệp, thẩm định giá…cũng đã có nhiều sai phạm.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý trách nhiệm của hàng loạt cá nhân, tổ chức thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ, tỉnh Bình Định, các công ty tư vấn…

Đối với xử lý kinh tế, thanh tra kiến nghị thu hồi 75,01 cổ phần tại công ty này về cho nhà nước; xử lý việc bán 10% cổ phần cho Công ty Hợp Thành. Yêu cầu Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn tính toán lại, giảm khẩu hao, tăng lợi nhuận…; nộp ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate