Ngày 5/2, cảnh sát Nhật Bản đã tiến hành bắt giữ một người đàn ông 75 tuổi có tên Kazutsugi Nami, vì ông này bị tình nghi là chủ mưu của một vụ lừa đảo với tổng số tiền có thể lên tới 226 tỷ Yên (2,5 tỷ USD).
Nhiều khả năng, đây sẽ là âm mưu lừa đảo lớn nhất từng bị phát hiện ở xứ Mặt trời mọc.
Không chỉ bắt giữ Nami, cảnh sát Nhật còn triệu tập 21 nhân viên trong công ty có tên L&G của ông này vì có thể, những người này đã hỗ trợ cho ông ta trong quá trình thu gom tiền từ 37.000 người là nạn nhân của vụ lừa đảo này.
Vụ việc có thể được tóm tắt như sau:
Năm 1987, Nami thành lập công ty L&G (viết tắt của cụm từ “các quý ông và quý bà” - “ladies and gentlemen”) với mục đích kinh doanh các sản phẩm chăn đệm và chăm sóc sức khỏe.
Năm 2001, Nami giới thiệu một chương trình mà lẽ ra phải được cảnh báo ngay từ đầu, nhất là khi xét tới “tiểu sử” của ông ta. Nami nguyên là một sinh viên bỏ học và đã từng dùng chiến thuật bán hàng đa cấp để bán một sản phẩm mà ông ta hứa hẹn là sẽ giảm khí thải của động cơ xe hơi, nhưng thực tế chỉ là một trò lừa đảo. Khi đó, ông ta đã từng tuyên bố, bán hàng đa cấp là một cách tiếp thị hấp dẫn “như một loại trái cấm hay chất kích thích”.
Sau đó, Nami trở thành tội phạm trong một vụ lừa đảo khác khi bán một loại “đá thần” được ông ta quảng cáo là có thể biến nước thường thành nước tinh khiết tự nhiên.
Âm mưu lừa đảo năm 2001 của Nami được che đậy bằng một lời chào mời hấp dẫn khác: mức lợi nhuận 36%/năm cho mỗi 1 triệu Yên nhà đầu tư góp vốn vào công ty của ông ta. Nạn nhân sập bẫy phần lớn là những người hưu trí và nội trợ lớn tuổi cả tin.
Ba năm sau đó, vào năm 2004, Nami lại bắt tay vào một vụ lừa đảo mới. Ông ta sản xuất và bán một loại tiền điện tử giả mạo có tên Enten, với lời quảng cáo “loại tiền tiêu không bao giờ hết”. Các nạn nhân ngây thơ mỗi người nộp cho Nami 100.000 Yên sẽ nhận được lượng Enten trị giá tương tự và được hứa là nếu họ tiêu tiền này, khoản tiền sẽ đầy trở lại sau mỗi năm.
Enten có thể được sử dụng để mua đồ ăn, quần áo và đồ trang sức tại những hội chợ nơi Nami tổ chức hoặc tiêu trong mua sắm trên mạng.
Mọi việc bắt đầu vỡ lở khi vào tháng 2/2007, Nami nói với các nhà đầu tư rằng ông ta sẽ trả cổ tức cho các nhà đầu tư bằng Enten, thay vì tiền mặt. Từ đó các nhà đầu tư đã liên tục kiện Nami ra tòa. Tháng 11/2007, công ty của Nami đã nộp đơn xin phá sản.
Cuối năm 2007, cảnh sát đã tới khám xét công ty của Nami, nhưng giới quan sát cho rằng, lẽ ra các nhà chức trách phải xử lý ông ta sớm hơn.
Mặc dù bị báo giới săn lùng mạnh vào tuần trước và khả năng bị bắt là rất cao, Nami chẳng buồn lẩn trốn. Thậm chí ông ta còn liên tục xuất hiện trên truyền hình để tuyên bố bản thân vô tội. “Đây không phải là một vụ lừa đảo, tôi có kế hoạch kinh doanh”, ông ta nhắc đi nhắc lại.
Khi bị cảnh sát ập tới bắt giữ trong lúc đang ăn sáng và uống bia ở một nhà hàng gần nhà, Nami không tỏ ra ngạc nhiên, lo sợ hay xấu hổ, mà vẫn hết sức bình tĩnh.
Tuy nhiên, khi bị bắt, Nami đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ngồi tù. Có nguồn tin cho hay, ông ta đã mang sẵn một túi đựng đầy quần áo, bút máy và mực.
Từ cuối năm 2008 tới nay, thế giới liên tục phát hiện những vụ lừa đảo lớn. Trước vụ Nami này đã có hai vụ gây chấn động là vụ Madoff ở Mỹ và vụ Satyam ở Ấn Độ.
(Theo Straits Times, Reuters)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate