Tình huống pháp lý điển hình trên vừa được TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm.
THỎA THUẬN CẢ PHẠT LÃI CHỒNG LÃI
Theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH MTV A. (nay là ngân hàng) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ M. (trụ sở ở Đà Nẵng) có quan hệ tài chính từ năm 2015. Doanh nghiệp có vay vốn tổng số tiền hơn 175 tỷ đồng và thế chấp bằng các tài sản đảm bảo gồm nhà đất, máy móc và thiệt bị, xe tô tô hiệu Mercedes – Benz.
Quá trình thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ và không tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo cũng như có dấu hiệu cản trở ngân hàng thực hiện quyền theo quy định pháp luật.
Do đó, để bảo quyền lợi của mình, ngân hàng khởi kiện ra tòa án. Vụ án trải qua các cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm từ năm 2020 đến nay. Theo đó, tại bản án phúc thẩm năm 2020, TAND TP Đà Nẵng đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự.
Cụ thể, Công ty M. còn nợ ngân hàng hơn 261 tỷ đồng gồm nợ gốc hơn 173 tỷ đồng, lãi trong hạn hơn 66,5 tỷ đồng; lãi quá hạn là 9,4 tỷ đồng và lãi phạt trên lãi quá hạn là hơn 11,9 tỷ đồng. Các khoản nợ lãi trên tiếp tục tính kể từ ngày 27/10/2020 theo mức lãi suất các bên đã thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng. Các bên cũng thỏa thuận về thời hạn thanh toán. Trường hợp công ty vi phạm một trong các thời hạn thanh toán thỏa thuận thì ngân hàng có quyền yêu cầu thi hành án tất cả các khoản nợ trên.
Mặc dù quyết định trên được ban hành dựa trên sự thỏa thuận thành của các đương sự. Tuy nhiên, sau đó, Công ty M. đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm vì có nội dung tiền lãi phạt trên lãi quá hạn là không đúng và vi phạm pháp luật.
HỦY BẢN ÁN PHÚC THẨM ĐỂ XÉT XỬ LẠI
Theo Hội đồng thẩm phán, khoản 1, Điều 12, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định: “Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”.
Do vậy, các hợp đồng tín dụng mà Công ty M. và ngân hàng thỏa thuận về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn, nhưng còn thỏa thuận về lãi phạt chậm trả đối với số tiền lãi quá hạn chưa thanh toán là lãi chồng lãi, phạt chồng phạt. Điều này vi phạm khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 01/2019-NQ-HĐTP.
Soi chiếu tại Bộ luật Dân sự năm 2015, tại khoản 5, Điều 466 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468 của Bộ luật này. b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định việc bên vay phải có nghĩa vụ trả lãi phạt quá hạn.
Hội đồng thẩm phán cũng căn cứ vào án lệ và xác định quyết định của bản án phúc thẩm có sự sai lầm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty M.
Do đó, Hội đồng thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Đà Nẵng xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.
THỐNG NHẤT VỀ ĐƯỜNG LỐI GIẢI QUYẾT
Trước đây, khi chưa có Nghị quyết số 01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hầu hết trong các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, phía ngân hàng thường yêu cầu lãi phạt chậm trả với quan điểm là căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN. Ngân hàng cho rằng pháp luật cho phép áp dụng đồng thời lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi phạt chậm thanh toán.
Vào thời điểm đó, cơ quan tố tụng còn có quan điểm chưa thống nhất dẫn đến có vụ việc vẫn chấp nhận yêu cầu trên của ngân hàng. Tuy nhiên, khi đó, ý kiến các luật sư cũng cho rằng, ngân hàng được quyền áp dụng lãi trong hạn (chỉ áp dụng trong thời hạn vay) và lãi quá hạn (khi đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hạn quy định) và không cho phép áp dụng thêm một loại lãi nào khác trùng với thời gian đã áp dụng 1 trong 2 loại lãi nói trên.
Còn phạt vi phạm là một hình thức chế tài áp dụng đối với một trong các bên vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Nhiều trường hợp, các ngân hàng hiểu nhầm phạt vi phạm với lãi phạt chậm thanh toán là không chính xác và tòa án bác yêu cầu do lãi chồng lãi là có cơ sở.
Cho đến nay, khi có Nghị quyết số 01/2019, các cơ quan tố tụng đã thống nhất về đường lối giải quyết là không chấp nhận việc phạt lãi chồng lãi.