May 13, 2021 | 16:33 GMT+7

Phạt nặng các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách không lắp camera trước ngày 1/7

Anh Tú -

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa bác đề nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera...

Lắp camera giám sát sẽ ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.
Lắp camera giám sát sẽ ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa có văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về đề nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera theo quy định của Nghị định số 10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 12/2021 của Bộ Giao thông Vận tải.

Trong văn bản mới đây gửi Hiệp hội Vận tải Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã “bác” đề xuất lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019 đối với các hành vi vi phạm về lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2021 mà Hiệp hội Vận tải Việt Nam đưa ra. Tổng cục Đường bộ Việt Nam giữ nguyên quan điểm về thời hạn phải hoàn thành lắp camera giám sát hành trình trước ngày 1/7/2021 như đã quy định.

Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc Hiệp hội thực hiện theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

 

"Quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm an toàn giao thông", Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh.

Trước đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho rằng, do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng và doanh thu vận tải sụt giảm mạnh, trong kinh doanh vận tải khách chỉ đạt khoảng 50 - 60% so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. Nhiều đơn vị phải cắt giảm phương tiện hoặc phải dừng hoạt động, nhiều đơn vị vận tải phải tính đến việc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với lý do trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ đối với các hành vi vi phạm hành chính về lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10 và Thông tư số 12 đến ngày 31/12/2022.

Gần đây khi trao đổi với VnEconomy, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp.Hà Nội bày tỏ nỗi đau xót khi đề xuất lùi thời hạn lắp camera của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải Hà Nội và các doanh nghiệp vận tải nhiều lần bị bác bỏ. Các đơn vị này không ít lần kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ lùi thời hạn thực thi quyết định này thêm một năm sang 1/7/2022 để doanh nghiệp có thêm thời gian hồi phục.

"Những văn bản phản hồi vẫn yêu cầu thực hiện nghiêm theo Nghị định của Chính phủ, tức là, vô tâm quá. Đáng lẽ đau thương phải được chia sẻ bằng cách này hay cách khác, lại chia sẻ bằng cách cứ thực hiện. Nếu không thực hiện, sẽ bị xử phạt”, ông Liên giãi bày.

Liên quan đến hàng loạt chính sách hỗ trợ, áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mà Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã ghi nhận và đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

Các chính sách hỗ trợ bổ sung đó cụ thể như, giảm lãi suất vay cho các khoản vay phải trả lãi; áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp; giãn nợ, bao gồm cả gốc và lãi từ 6 - 12 tháng; tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để khôi phục sản xuất kinh doanh; các chính sách miễn giảm phí bảo trì đường bộ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate